THUỐC NHUẬN GAN MẬT ĐƯỢC DÙNG TRONG:
+ Rối loạn chức năng tiêu hóa gan – mật – ruột.
+ Rối loạn co bóp đường mật.
+ Đau bụng do co thắt ống mật hay do sỏi mật.
+ Vàng da trong bệnh lý gan mật (hoàng đản).
+ Một số chứng bệnh ngoài da được cho là có nguyên nhân từ gan.
Có hai loại thuốc nhuận gan mật:
- Loại tạo mật: Kích thích tế bào gan tiết ra mật. Chủ yếu gồm có: bản thân chất mật động vật các loại, đầu béo (dầu thầu dầu, các dầu thực vật…), một số loại tinh dầu (gaicol, ơcalyptol), một số dược liệu họ Cúc (Asteraceae / Compositae: Thổ mộc hương, ké đầu ngựa, actisô), họ Trâm bầu (cây Trâm bầu), họ Hoa môi (Nhân trần, Tía tô dại, Bạc hà).
- Loại tống mật: Gây co bóp túi mật, dãn cơ vòng Oddi làm tống chất mật xuống đường ruột: Hoàng liên, Nghệ, Xích đồng nam, Bạch đồng nữ, cây Mua v.v…
Ngoài các vị thuốc nêu trên, trong điều trị vàng da, y học cổ truyền còn dùng các thuốc lợi tiểu, chống viêm, kháng sinh thực vật, nhuận tràng, hoạt huyết tiêu ứ như: Mã đề, râu Bắp, rau đắng đất, rau Má, Kim tiền thảo, Muồng trâu…
Bài thuốc chung:
+ Ý dĩ 12g (Trừ Thấp).
+ Nhân trần 16g (Thanh Nhiệt).
+ Chi tử 12g (Thanh Nhiệt).
+ Nghệ vàng 4g (Tiêu ứ mật).
+ Mật heo 4g (Tiêu ứ mật).
Gia giảm theo thể lâm sàng thường gặp: Y học cổ truyền thường dùng thuốc nhuận gan mật trị hoàng đản. Hoàng đản chủ yếu có hai loại bệnh cảnh: Thấp và Nhiệt.
Trường hợp hoàng đản có Nhiệt chứng trội hơn Thấp chứng (Dương hoàng, tương ứng với viêm gan siêu vi trong Y học hiện đại): Bài thuốc chung gia thuốc Thanh Nhiệt (Rau má, dây cứt quạ, rau Đắng đất) và lợi Thấp (Tỳ giải, Mã đề, râu bắp).
Trường hợp hoàng đản có Thấp chứng trội hơn Nhiệt chứng (Âm hoàng, tương ứng với tình trạng sỏi mật): Bài thuốc chung gia thêm thuốc ôn Trung (Gừng khô, Quế nhục, củ Sả), hành Khí (cỏ Cú), hóa Thấp (Nhân trần, Ý dĩ), tán ứ (rễ Cỏ xước, vảy Tê tê, Nghệ vàng).
(Y học phổ thông – yhocphothong)