Tứ linh trong phong thủy

Thời xưa ở Trung Quốc, Kỳ lân, Phượng hoàng, Rùa và Rồng đựơc gọi chung là “tứ linh” (bốn giống vật linh thiêng). Truyền thuyết nói rằng: “Kỳ lân tín nghĩa, Phượng hoàng trị loạn, Rùa báo điềm lành còn Rồng có phép biến hóa”.

Nói vậy cũng có nghĩa Kỳ lân là biểu tượng của đức hạnh đôn hậu, tượng trưng cho thời thịnh trị thái bình; Phượng hoàng giữ gìn cuộc sống bình yên; Rồng có thể hô phong hoán vũ nên tượng trưng cho quyền lực và sự tôn nghiêm; Rùa biết trước tương lai, và cũng là con vật tượng trưng cho sự trường thọ. Vì thế bốn loài vật này được coi là những con vật tiêu biểu cho sự tốt lành. Nhưng trong số đó chỉ Rùa là có thực, còn lại đều là những con vật thần thoại hoặc nói cách khác là những hình tượng nghệ thuật do con người sáng tạo ra.

Kỳ lân trong truyền thuyết thân giống hươu, đầu mọc một sừng duy nhất, có vẩy như cá, đuôi như đuôi trâu, tính ôn hòa thuần nhã, độ lượng cho nên được coi là loài thú nhân hậu, có đức hạnh.

Thời cổ đại xa xưa, Rồng và Phượng hoàng đựơc sùng bái, coi là thủy tổ tượng trưng của nhiều bộ lạc và được thờ cúng.

Phượng là tên gọi tắt của chim thần Phượng hoàng. Theo truyền thuyết, chim Phuợng hoàng cao 6 thước, đầu gà cổ rắn, hàm yến lưng hổ và có 5 sắc.

Còn trong dân gian, Rồng và Phượng là biểu tượng của sự tốt lành, vì thế mà có câu “Long Phượng tường trình” (Rồng Phượng báo điềm lành).

Trong tứ linh, Rùa là con vật có thật. Rùa giỏi chịu đựng đói và khát, có sực sống cực kì mạnh mẽ nên tượng trưng cho sự trường thọ; lại vì được cho là linh thiêng biết trước điều may rủi nên Rùa còn được coi là con vật trung gian giữa người và thần linh.

Trong phong thủy, Tứ linh lại mang dáng dấp biểu tượng khác:

  • Long: Rồng – Thanh long
  • Lân: Kỳ Lân – Bạch hổ
  • Quy: Rùa đen – Huyền vũ
  • Phượng: Phượng hoàng – Chu tước (con sẻ đỏ).

Trong Phong thủy, Tứ linh cũng là khái niệm cơ bản nhất của bất kỳ một địa thế nào. Đó là:

  • Tiền Chu tước – Chu tước (Phượng đỏ) ở đằng trước.
  • Hậu Huyền Vũ – Huyền vũ (Rùa đen) ở phía sau.
  • Tả Thanh Long – Thanh long (Rồng xanh) ở bên trái.
  • Hữu Bạch Hổ – Bạch hổ (Hổ trắng) bên phải.

Tượng trưng cho 4 mặt bảo vệ tòa nhà.

Khái niệm trên thực ra đã có từ rất xa xưa khi quan sát thiên văn người ta cũng chia ra thành 4 chòm sao chính là Chu tước, Huyền vũ, Thanh long và Bạch hổ ở 4 phía Đông, Tây, Nam, Bắc của bầu trời.

1. HUYỀN VŨ (玄武) là một trong Tứ tượng của thiên văn học Trung Quốc, và cũng là một khái niệm rộng trong phong thủy, thuyết âm dương, triết học.

“Chòm Huyền vũ (rùa và rắn đen) gồm: Đẩu (cua), Ngưu (trâu), Nữ (dơi), Hư (chuột), Nguy (én), Thất (heo) và Bích (nhím)”.

Hình tượng Huyền vũ có liên quan mật thiết đến một vị thần có vị trí rất cao trong Đạo giáo là Huyền Thiên Trấn Vũ đại đế. Ông có 2 con vật thiêng là Linh quy và Thần xà, tượng trưng cho sự trường tồn và trí tuệ. Vì vậy chữ “Vũ” trong “Huyền vũ” ở đây với nghĩa là “sức mạnh” gồm cả rùa và rắn.

2. BẠCH HỔ là linh vật thiêng liêng có tượng là hình con hổ (虎), có màu trắng (bạch, 白) là màu của hành Kim ở phương Tây, do đó tương ứng với mùa thu.

Bạch hổ cũng là một trong Tứ tượng của thiên văn học Trung Quốc, và cũng là một khái niệm rộng trong phong thủy, thuyết âm dương, triết học.

“Chòm Bạch hổ (cọp trắng) gồm: Khuê (sói), Lâu (chó), Vị (trĩ), Mão (gà), Tất (quạ), Chủy (khỉ) và Sâm (vượn)”.

3. THANH LONG (青龍) hay Thương long là một trong Tứ tượng của thiên văn học Trung Quốc, và cũng là một khái niệm rộng trong phong thủy, âm dương, triết học.

Trong thiên văn, Thanh long chỉ cung gồm 7 chòm sao phương đông trong Nhị thập bát tú, đó là: sao Giác, sao Cang, sao Đê, sao Phòng, sao Tâm, sao Vĩ và sao Cơ.

Trong đó Giác là hai sừng của rồng, Cang là cổ của rồng, Đê là chân trước của rồng, Phòng là bụng của rồng, Tâm là tim của rồng, Vĩ là đuôi của rồng, Cơ là phân của rồng. Bảy chòm sao này xuất hiện giữa trời tương ứng với mùa xuân.

Hai sao Phòng và Tâm là gần nhau nhất trong cung Thanh long, có nhiều đặc điểm tương đồng về độ sáng, cấu tạo, chu kỳ, … nên thời được ví như hai chị em sinh đôi.

Thanh long là linh vật thiêng liêng bậc nhất trong Tứ tượng (thần thú), thời cổ đại gọi là Thương long, có tượng là hình rồng (long, 龍), có màu xanh (thanh, 青) màu của hành Mộc ở phương Đông, do đó tương ứng với mùa xuân.

4. CHU TƯỚC (朱雀) là một trong Tứ tượng của thiên văn học Trung Quốc, và cũng là một khái niệm rộng trong phong thủy, thuyết âm dương, triết học Phương Đông.

Trong thiên văn, Chu tước chỉ cung gồm 7 chòm sao phương nam trong Nhị thập bát tú, đó là: sao Tỉnh, sao Quỷ, sao Liễu, sao Tinh, sao Trương, sao Dực, sao Chẩn.

Trong đó Tỉnh tượng hình mỏ chim, Quỷ tượng hình mào chim, Liễu tượng hình diều chim, Tinh tượng hình cổ chim, Trương tượng hình bụng chim, Dực tượng hình cánh chim, Chẩn tượng hình đuôi chim.

3 sao Liễu, Tinh, Trương có vị trí gần nhau nhất trong cung Chu tước thường xuất hiện cùng lúc trên bầu trời tạo thành một đường thẳng.

Chu tước thời cổ còn gọi là Chu Điểu (朱鳥, con chim màu đỏ) là linh vật thiêng liêng có tượng là hình con chim sẻ (tước 雀), có màu đỏ (chu, 朱), là màu của hành Hỏa ở phương Nam, do đó tương ứng với mùa hạ.

Dùng bộ tứ linh bày 4 phía của căn nhà có tác dụng tăng cường cát khí, chống lại hung khí, tránh được vận hạn và tăng cường tài lộc.

CÁCH DÙNG:

  • Rồng đặt bên trái, Hổ bên phải, Phượng phía trước và Rùa phía sau phòng khách hoặc căn nhà.
  • Bày trong tủ ở phòng khách.

Trong việc xây dựng nhà cửa, đôi khi có được tứ linh trấn 4 góc (như nêu trên) nhưng đôi khi vẫn không đem lại như ý của chủ nhà.

Sách phong thủy có chép câu truyện sau: Quản Lộ một hôm đi qua mộ địa Vô Khưu Kiệm có than rằng: “Cây cối tuy xanh tốt, nhưng hình thế không bền, văn bia tuy lời lẽ đẹp nhưng không có hậu để giữ gìn. Huyền vũ giấu đầu, Thanh long cụt chân, Bạch hổ ngậm xác chết, Chu tước đau khổ mà khóc. Tứ phía lâm nguy đều có đủ, theo cách địa này ắt cả họ bị diệt vong, bất quá 2 năm chuyện này xảy ra”. Sau đó sự việc xảy ra ứng nghiệm như lời Quản Lộ đã nói…

Hiện nay, đa số nhà cửa xây dựng, do nhiều điều kiện khác nhau, địa lý, môi trường, quy hoạch, kể cả bản vẽ, phải theo ý của kiến trúc sư… thậm chí còn phải lệ thuộc vào phần mềm đồ họa… tạo nên nhiều căn nhà nhìn bề ngoài thì rất đồ sộ, đẹp, sáng sủa, đầy đủ tiện nghi, kết cấu đúng bài bản… Tuy nhiên, có rất nhiều hệ thống các ngôi nhà dù đã đảm bảo các yêu cầu trên nhưng người ở trong đó vẫn bị bệnh tật ốm yếu làm ăn suy thoái, hay gặp tai nạn, hỏa hoạn, cháy nổ… Những ngôi nhà như vậy phải tìm đến những hướng giải quyết khác mà những tiêu chí của thiết kế kiến trúc không thể xử lý được.

Nhà ở là nơi con người sinh sống, ăn ở, nghỉ ngơi, cao hơn là thể hiện đời sống tâm linh (bàn thờ, phòng thờ) do đó nó phải tạo ra sức khỏe, sự thoải mái tinh thần, thuận trong công việc. Đó phải là một môi trường hòa hợp với thiên nhiên trời đất, yếu tố này trong kiến trúc chưa đề cập đến, đó chính là yếu tố phong thủy.

Phong thủy đã có kinh nghiệm trải qua nhiều ngàn năm, nhưng với đà tiến bộ khoa học, phong thủy lại dần bị lãng quên. Thật đáng tiếc!!!

Tuy nhiên, đừng quá đặt nặng vấn đề phong thủy có thể “cải thiên đổi số”, “cải thiên đoạt mệnh”, để rồi nhiều khi gặp phải thầy phong thủy “dởm” thì “tiền mất tật mang”…

Sách “Kinh Thi” viết: “Làm người phải thường xét lại hành vi của mình có hợp với đạo trời hay không? Nếu hợp với đạo thì phước báu không cầu cũng tự nhiên đến. Không hợp với đạo thì họa cũng tự nhiên về. Cho nên phước hay họa đều do nơi mình”.

BÀI VIẾT MỚI
- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN