Mùa xuân là mùa đẹp nhất trong một năm. Mùa xuân rồi sẽ qua đi nhưng đến năm sau nó lại trở về. Đời người cũng có mùa xuân, nhưng đáng buồn thay, một khi nó đã đi qua thì có bao giờ trở lại !? Thực ra, chẳng đợi đến thời hiện đại với sự phát triển mạnh mẽ của khoa học về tâm sinh lý con người, mà ngay từ xa xưa cổ nhân đã nhận thấy rằng: Trong cuộc đời mỗi người đến khi về già đều có một giai đoạn cảm thấy như mình trẻ lại cả về thể xác và tâm hồn, cũng rạo rực yêu đương, cũng tràn trề sức sống… Giai đoạn đó được gọi là tuổi “hồi xuân”. Vậy “hồi xuân” là gì và làm thế nào để chủ động hồi xuân?
HỒI XUÂN LÀ GÌ?
“Hồi” là trở lại, “xuân” là tên một mùa của trời đất, là mùa đầu tiên của một năm, liên hệ với đời người đó là thời thanh xuân, còn gọi là “tuổi xuân”, là lúc con người tràn đầy sức sống và cũng gọi là “sức xuân”. Nhưng, theo quy luật của tạo hóa, xuân đến rồi xuân lại đi, thời thanh xuân của mỗi con người rồi cũng sẽ đi qua như mùa xuân của đất trời vậy.
“Hồi xuân” là một giai đoạn của đời người mà khi đó “sức xuân” của tuổi trẻ đã qua đi nay dường như trở lại cũng giống như sự “tái lại” của mùa xuân trong vòng quay của tạo hóa. Đây chính là thời kỳ “đệm” khi chuyển từ trung niên sang lão hóa, là sự chuẩn bị trở về cái “chân chất” vốn có của con người sau bao năm miệt mài “chinh chiến” và cống hiến, là sự bùng lên của nguồn sức mạnh tiềm ẩn mãnh liệt khi xuất hiện nguy cơ bị chặn đứng bằng sự kết thúc.
Thông thường, khi nói đến hồi xuân, người ta hay nghĩ đến những người phụ nữ, nhưng thật ra, dù dài hay ngắn, dù mãnh liệt hay mờ nhạt, đối với cả đàn ông và đàn bà, tuổi hồi xuân rồi cũng sẽ đến. Chỉ có điều chắc chắn là, đàn ông hồi xuân không như phụ nữ. Nhìn chung, giai đoạn hồi xuân chỉ kéo dài khoảng vài ba năm, cá biệt có người tới bốn, năm năm. Nhưng cũng có những người hầu như không bao giờ biết đến tuổi hồi xuân với đầy đủ những đặc trưng của nó.
NHỮNG BIẾN ĐỔI CỦA CƠ THỂ KHI HỒI XUÂN RA SAO?
Đời người là một quá trình phát triển không ngừng các chỉ số về tâm sinh lý, trong đó có những giai đoạn phát triển đặc thù với các diễn biến vừa bất thường vừa bình thường, vừa bình yên vừa sôi nổi, vừa dạt dào vừa sâu lắng. Khi con người chuyển sang một lứa tuổi lớn hơn bao giờ cũng xuất hiện một số dấu hiệu chuyển đổi để làm mất đi một đặc điểm này và hình thành nên một đặc điểm khác. Sự chuyển biến ở bất cứ lứa tuổi nào cũng rất nhạy cảm, nhưng đặc biệt nhạy cảm cao là vào tuổi dậy thì và tuổi hồi xuân.
Vào tuổi hồi xuân, ở cả nam và nữ đều có sự rối loạn về nội tiết tố sinh dục. Ở phụ nữ, giai đoạn này xảy ra chung quanh thời kỳ mãn kinh được đặc trưng bởi sự rối loạn cân bằng giữa hai nội tiết tố progesterone và oestrogen. Lúc đầu, có sự suy giảm progesterone và tăng oestrogen nhưng sau đó thì oestrogen cũng giảm dần và đây chính là nguyên nhân chủ yếu làm giảm ham muốn tình dục ở nữ. ở nam giới có hiện tượng suy giảm nội tiết tố nam là testosterone tương tự như mãn kinh ở nữ giới. Sự thay đổi nội tiết tố sinh dục chính là một trong những đặc trưng và nguyên nhân cơ bản của hiện tượng hồi xuân.
Tuy nhiên, cũng có người cho rằng, nếu chỉ hiểu hồi xuân có nghĩa là khôi phục lại khả năng tình dục thì quả là phiến diện, không thấy hết vẻ đẹp của hai chữ “hồi xuân”. Thực ra, ý nghĩa của sự hồi xuân không chỉ bó hẹp trong phạm vi tình dục. Nó là sự trẻ hóa của toàn bộ con người từ tâm hồn đến thể xác, sự trẻ hóa này không những chịu ảnh hưởng của các yếu tố sinh lý mà còn bị tác động bởi nhiều nhân tố mang tính tâm lý và xã hội.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CHỦ ĐỘNG HỒI XUÂN?
Con người, tự cổ chí kim đã không hoàn toàn chịu khuất phục tạo hóa, cam chịu mỗi sự “hồi xuân” mang tính tự nhiên do tạo hóa ban phát cho. Trải qua quá trình lao động, tìm tòi, thể nghiệm và đúc kết từ thực tế hàng ngày, con người đã chắt lọc và tích lũy từ thế hệ này sang thế hệ khác những tri thức, những kinh nghiệm và nâng chúng lên thành “thuật”, tức là một hệ thống những cách thức, những phương pháp nhằm mục đích khôi phục và duy trì “sức xuân”, chủ động ‘hồi xuân” một cách tích cực, hệ thống đó được gọi là “thuật hồi xuân” với những nội dung cơ bản sau đây:
• Hồi xuân bằng điều dưỡng tinh thần
Tuổi trung niên là bước ngoặt của đời người, hoạt động sống bắt đầu chuyển từ thịnh sang suy cả về tâm lý và sinh lý. Về tâm lý, chữ “thịnh” nghĩa là trong suốt thời kỳ trung niên sự phát triển tâm lý ngày càng chín muồi, đúng như cổ nhân đã tổng kết: “Tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc ngũ thập tri thiên mệnh”. Nhưng “vật cực tắc phản”, trung niên là thời kỳ cơ thể và tâm lý phải gánh vác nặng nề nhất và thường tập trung nhiều mâu thuẫn. Bao nhiêu sự mệt mỏi về hình thể và tâm lý tích tụ lại dần làm ảnh hưởng đến thân và tâm, từ đó dễ dẫn tới các loại bệnh tật. Bởi vậy, để chủ động “hồi xuân”, người ta ở tuổi trung niên phải có tinh thần lạc quan khoáng đạt, coi nhẹ danh lợi, tiết chế dục vọng, tránh cạnh tranh với đời, ít ưu sầu, không phiền não, không suy nghĩ quá độ. Nói như cổ nhân là phải “dưỡng thần bách pháp tĩnh vi tiên”, nghĩa là phải lấy chữ “tĩnh” làm đầu để điều dưỡng đời sống tâm lý tinh thần.
• Hồi xuân bằng ăn uống
Dân gian có câu: “Dân dĩ thực vi tiên”, ăn uống là chuyện tối cần thiết để bồi phụ và bảo tồn Tinh hậu thiên, duy trì các hoạt động sống của cơ thể. Để chủ động “trường xuân” và “hồi xuân”, ngoài việc thực hiện đầy đủ những nguyên tắc cơ bản của ẩm thực cổ truyền là đầy đủ (chỉnh thể), cân bằng (bình hành thiện thực), hợp lý (tam nhân chế nghi) và đảm bảo vệ sinh (ẩm thực cấm kị), rất cần phải lựa chọn và sử dụng các loại thực phẩm có công dụng tráng kiện trường thọ như đậu tương, vừng, rau hẹ, tảo biển, các loại nấm, sơn tra, thịt dê, thịt chim sẻ, thịt thỏ, sữa tươi, trứng gà, trứng chim cút, ba ba, cá chạch, tôm càng xanh, hải sâm, bào ngư, mật ong… và các món ăn – bài thuốc (dược thiện) như Tam nhĩ thang, cháo Sơn dược vừng sữa, rượu Thục địa vạn niên thanh, canh Tây dương sâm, canh Đông trùng hạ thảo hấp ba ba, cháo Nhân sâm hoàng kỳ, Bột vừng phục linh, rượu Cố bản tiên linh, rượu Hải cẩu thận, rượu Dâm dương hoắc, canh thịt dê hầm kỷ tử….
• Hồi xuân bằng dược liệu
Y học cổ truyền Đông phương cho rằng: “Chính khí tồn nội, tà bất khả can”, một khi sức đề kháng của cơ thể vượng thịnh thì bệnh tà không thể xâm nhập, quá trình suy lão cũng chậm lại. Bởi vậy, thuật hồi xuân cho rằng: ngoài việc tập thở, vận động, xoa bóp và ẩm thực dưỡng sinh còn phải chú trọng việc sử dụng các dược liệu có công năng bồi bổ chính khí cho phù hợp. Đó là các vị thuốc như nhân sâm, hoàng kỳ, bạch truật, hoàng tinh, thục địa, đương quy, kỷ tử, a giao, hà thủ ô, bạch thược, nhung hươu, hải mã, tắc kè, tử hà xa, bổ cốt toái, đỗ trọng, tục đoạn, tỏa dương, nhục thung dung, ba kích, dâm dương hoắc, thỏ ty tử, mạch môn, thiên môn, đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, quy bản… và các đông dược thành phẩm như Thập toàn đại bổ, Nhân sâm dưỡng vinh hoàn, Hà sa đại tạo hoàn, Sinh mạch tán, Sâm kỳ tinh, Bát tiên trường thọ hoàn, Thiên vương bổ tâm đan, Bát vị hoàn, Lục vị hoàn…
Tóm lại, dù muốn hay không, hồi xuân là một giai đoạn không thể tránh khỏi trong cuộc đời của mỗi con người. Vấn đề là ở chỗ, chúng ta hãy chủ động đón nó, kéo dài nó và nâng cao chất lượng của nó bằng tất cả những phương thức mà chúng ta có được. Hồi xuân, thời gian nào có thể hồi xuân được thì xin bạn hãy làm và đừng cho đó là nghịch lý, còn hồi xuân được là bạn còn đang tự thấy mình sống, sống thật sự và nguồn sống đó chắc chắn là khởi nguồn từ bạn, không ai có thể ngăn chặn và dập tắt được.