Những loại quả chứa nhiều Vitamin C

BƯỞI

Bưởi có tên khoa học Citrus maxima (Merr., Burm. f.) hay Citrus grandis L., thuộc họ Cam quýt (Rutaceaea).

Theo y học hiện đại, nước bưởi có thành phần tựa như insulin, giúp hạ đường huyết, có tác dụng hỗ trợ đối với bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp.

Kiểm chứng thực tế cho thấy ăn bưởi đều đặn sẽ giúp giảm cân và phòng chống được tiểu đường. Những người bị bệnh cao huyết áp, tiểu đường, dùng dịch quả bưởi rất thích hợp.
Trong bưởi còn có chất bioflavonoids, giúp ngăn trở các hoạt động của các hormon phát triển bướu u.

Ngày nay, các nhà khoa học còn ghi nhận quả bưởi có tác dụng chống viêm, ức chế quá trình ngưng tập tiểu cầu và cải thiện độ bền vùng thành mạch. Do đó, bưởi có tác dụng làm giảm nguy cơ suy tim, làm vết thương mau lành, giảm đau nhức các khớp, phòng ngừa ung thư dạ dày, ung thư tiền liệt tuyến, chống hoại huyết.

Dùng bưởi vào buổi sáng lúc bụng đói có tác dụng lợi tiểu và tẩy chất độc, giúp lọc máu, thải những chất bẩn và độc tố ở thận và gan ra ngoài.

Ăn bưởi thường xuyên cũng sẽ rất có ích cho người bị bệnh thấp khớp, viêm khớp, lupus, hoại huyết, kinh phong.

Theo Đông y, quả bưởi gọi là hựu thực. Tép bưởi có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng tiêu thực, lợi tiêu hoá, tiêu đàm, lợi tiểu, bổ dưỡng cơ thể. Thích hợp với người ăn uống kém, ăn uống không tiêu, đi tiểu ít, dễ xuất huyết, phụ nữ có thai bị nôn nghén, người bị tiểu đường, mập phì, cao huyết áp, đau nhức các khớp, ngộ độc rượu, tinh thần không thư thái.

Bưởi đào hay bưởi hồng chứa nhiếu chất beta-carotene, tức tiền-vitamin A, mà cơ thể sẽ biến đổi ra vitamin A. Loại bưởi này cũng chứa nhiều chất xơ và ít calories, nhiều chất bioflavonoids và một vài hóa chất khác có khả năng ngăn ngừa bệnh ung thư và tim mạch.
Bưởi hồng cũng có chứa nhiều chất lycopene, một chất antioxidant (chống oxy hóa), có khả năng làm giảm mức độ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt nơi đàn ông.

Sau đây là một số bài thuốc dùng bưởi để chữa bệnh:

• Dị ứng da hay mẩn ngứa không rõ nguyên nhân: Bưởi da xanh 1 quả, cắt bổ nguyên quả, nấu nước thoa rửa tại chỗ, mỗi ngày làm 3 lần, đồng thời có thể ăn bưởi 60g, mỗi ngày 3 lần.

• Đau đầu: Mỗi ngày ăn bưởi 100-150g.

• Người bị đau đầu nặng, buồn nôn, hoa mắt, chóng mặt: Dùng múi bưởi 500g, mật ong 350g, đường trắng, theo cách sau: Xắt vụn múi bưởi rồi ướp với đường trắng trong liễn sành một đêm, sau đó cho vào nồi chưng kỹ, cho mật ong vào quấy đều, để nguội rồi đựng trong bình gốm kín dùng dần. Mỗi lần uống 3g, ngày dùng 3 lần.

• Ho do phế nhiệt: Múi bưởi 100g, thịt quả lê tươi 100g. Hai thứ nấu nhừ, thêm mật ong hoặc đường phèn, trộn đều để ăn vào lúc đói bụng.

• Ho, nhiều đàm đặc: Dùng 100g múi bưởi, 30g rượu, 30g mật ong, đem chưng cách thủy để ăn, rất có hiệu quả.

• Ho nhiều, đàm khí nghịch: Dùng một trong các cách sau:

  1. Múi bưởi 100g, rượu gạo 15ml, mật ong 30ml, chưng cách thủy cho chín nhừ, mỗi ngày ăn 1 lần.
  2. Múi bưởi cắt nhuyễn cho vào bình, ngâm rượu, đậy kín một đêm, nấu nhừ, dùng mật ong trộn đều, ngậm nuốt thường xuyên.

• Hôi miệng, giải rượu: Dùng một trong các cách sau:

  1. Múi bưởi 100g, nhai nuốt dần dần.
  2. Bưởi 1 quả lấy nước, vỏ quít 10g, gừng tươi 6g, thêm đường đen lượng vừa đủ, nấu chung, mỗi ngày dùng 1 liều, dùng liền trong 5 ngày.

• Phòng hen suyễn: Mỗi ngày ăn 100-200g bưởi, liền trong 1 tuần.

• Phụ nữ mang thai nôn nhiều: Cùi bưởi 4-12g, sắc uống.

• Rối loạn tiêu hóa, thai phụ miệng nhạt, nước dãi trào ngược: Dùng một trong các cách sau:

  1. Múi bưởi 60g, ăn hết một lần, mỗi ngày ăn 3 lần.
  2. Nước bưởi, mỗi lần dùng 50g, ngày 3 lần, dùng liền 5 ngày.
  3. Bưởi 5-8 quả ép lấy nước, dùng lửa nấu đặc, thêm 500g mật ong, 100g đường phèn, 10ml nước gừng tươi, nấu chung thành dạng cao, để nguội, đựng trong lọ. Mỗi lần dùng 15ml, ngày 2 lần, dùng liền 5 ngày.

KHẾ

Cây khế còn gọi là ngũ liễm, tên khoa học Averrhoa carambola L., thuộc họ Chua me (Oxalidaceae).

Ăn một quả khế nhỏ có thể cung cấp 1/3 lượng vitamin C cần thiết cho cơ thể mỗi ngày. Quả khế còn chứa nhiều chất xơ, có tác dụng nhuận tràng, chống táo bón.

Theo Đông y, quả khế gọi là ngũ liễm tử, có vị chua chát, tính bình, không độc, tác dụng khử phong, thanh nhiệt, sinh tân dịch, giải uế, giúp làm lành vết thương. Thường được dùng chữa cảm sốt, khát nước, ngộ độc rượu, đi tiểu ít, nhiệt độc, vết thương chảy máu.
Ngày dùng 40-80g tươi, ăn sống như rau hoặc giã nát vắt lấy nước uống. Dùng quả khế ép lấy nước uống để giải nhiệt cũng như chống cảm nắng vào mùa hè oi nực rất tốt, chữa sưng răng lợi, loét mồm miệng và giảm đường huyết.

Sau đây là một số bài thuốc có dùng khế chữa bệnh:

• Chữa nước ăn chân, lở loét, đau nhức: Lấy 1-2 quả khế chín, lùi trong tro nóng, để vừa ấm rồi áp lên chỗ đau.

• Chữa bí tiểu, đau tức bàng quang: Khế chua 7 quả, mỗi quả chỉ lấy 1/3 phía gần cuống. Nấu với 600ml nước, sắc còn 300ml, uống lúc còn ấm nóng. Ở ngoài, lấy 1 quả khế và 1 củ tỏi giã nát nhuyễn, đắp vào rốn.

• Chữa cảm cúm, mình mẩy đau nhức: Khế chua 3 quả, nướng chín, vắt lấy nước cốt, hòa với 50ml rượu trắng, uống 1 lần, hoặc chia làm 2 lần uống vào lúc không no không đói quá.

LỰU

Cây lựu còn được gọi là thạch lựu, an thạch lựu, an tức lựu, mác lìu (Tày), tên khoa học Punica granatum L., thuộc họ Lựu (Punicaceae).

Nước ép quả lựu chứa nhiều chất khoáng vi lượng, vitamin C và vitamin B6, có ích cho sức khỏe, giúp ngăn ngừa bệnh tật. hạ cholesterol, chống lão hóa, phòng ngừa xơ vữa động mạch (uống nước ép quả lựu liên tục 30 ngày, sẽ thấy có kết quả rõ rệt).

Ngoài tác dụng tăng cường sức đề kháng và bổ sung các vi chất có ích, lựu còn được xem là một thực phẩm bổ trợ cho việc điều trị bệnh ung thư tiền liệt tuyến một cách an toàn, không có tác dụng phụ.

Đông y dùng các bộ phận của cây lựu làm thuốc từ rất lâu đời. Theo sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, lựu có vị ngọt, chua, chát, tính ấm, hơi độc, tác dụng làm nhuận được họng bị khô náo, trừ được lao.

Trong dân gian, người ta dùng thịt quả để trợ tiêu hóa, trợ tim. Dịch quả tươi giúp hạ nhiệt, làm mát.

ỔI

Cây ổi còn gọi là phan thạch lựu, phan quý tử…, tên khoa học Psidium guajava L., thuộc họ Sim (Myrtaceae), được trồng rộng rãi nhiều nơi trên thế giới để lấy quả làm thực phẩm và lấy lá làm thuốc.

Theo Đông y, ổi còn xanh có vị ngọt, chát, tính bình, có tác dụng kiện vị, cố tràng, thu liễm. Thường dùng trong các trường hợp tiêu chảy, kiết lỵ, xuất huyết, viêm nhiễm đường tiêu hóa.

Quả ổi chín có vị ngọt, tính ấm, có tác dụng bổ dưỡng, kiện tỳ, trợ tiêu hóa, nhuận trường, thường dùng trong các trường hợp táo bón, ăn uống không tiêu, xuất huyết, đái tháo đường.

Qua đó, ta thấy hàm lượng vitamin C trong quả ổi tới 132mg%, cao hơn gấp nhiều lần các loại rau quả khác (cam 42mg, xoài 36mg, nhãn 56mg, mãng cầu dai 36mg, đu đủ 71mg, chuối 14mg, rau muống 47mg…).

Vitamin C có các tác dụng sau:

  • Bổ dưỡng cơ thể, giúp hấp thu các chất khoáng vi lượng như sắt, calcium tốt hơn.
  • Chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng, giải độc, chống nhiễm trùng.
  • Chống lão hóa, có ích cho hoạt động của hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ tiêu hóa…
  • Phòng ngừa rối loạn chuyển hóa mỡ trong máu, (mỡ máu cao), tăng cholesterol tốt, giảm cholesterol xấu, phòng ngừa béo phì, làm bền thành mạch máu, ngừa chứng xơ mỡ động mạch (là nguyên nhân dẫn tới cao huyết áp, bệnh lý động mạch vành, đột quỵ, tai biến mạch máu não).
  • Phòng ngừa đái tháo đường.
  • Phòng ngừa nhiều loại bệnh ung thư.
  • Vitamin C của ổi còn giúp kích hoạt sự sản xuất chất chất collagen, hoạt chất cần thiết giúp củng cố độ bền cho khớp xương, sụn, rất có ích cho cấu trúc của da. Giúp duy trì lượng collagen trong da, giữ cho da luôn ổn định, giúp cơ thể chống lại được những bệnh về hô hấp như hen suyễn hoặc ho.
  • Đối với làn da, vitamin C có tác dụng làm lành da, rất có ích cho da do có đặc tính chống oxy hóa, tăng cường sức đề kháng, bảo vệ da và cơ thể trước các yếu tố gây bệnh từ bên ngoài.

  • Theo các nhà dinh dưỡng, khi ăn quả ổi nên ăn cả vỏ, sau khi đã rửa thật sạch. Vì lượng vitamin C trong ổi tập trung chủ yếu ở phần gần lớp vỏ quả.
  • Những loại kem dưỡng da có chứa vitamin C thường có công năng bảo vệ làn da chống lại những tác động lão hóa từ ánh nắng mặt trời, tăng tính đàn hồi của da, giúp làm giảm nếp nhăn, duy trì lâu dài sắc đep tự nhiên cho người phụ nữ. Chất xơ của ổi có thể hòa tan, giúp cho da luôn sáng đẹp tự nhiên. Vì có tính kháng khuẩn cao, nên ổi giúp ngăn ngừa một số bệnh lý về da như bệnh vảy nến, chàm, phát ban. Ổi chứa ít chất béo nên ăn ổi có thể giúp làm giảm thể trọng, chống béo phì.
  • Như vậy, ăn ổi thường xuyên sẽ giúp tăng cường sức khỏe, chống nếp nhăn và bồi dưỡng làn da một cách hiệu quả mà lại an toàn, ít tốn kém.
BÀI VIẾT MỚI
- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN