Rượu là nguyên nhân chủ yếu gây xơ gan ở những nước mà dân chúng uống nhiều rượu như ở Việt Nam… Tổn thương từng ít một song tích tụ dần và cuối cùng sẽ gây tổn thương gan không hồi phục.
Rượu sau khi uống được hấp thu vào cơ thể qua hệ tiêu hoá, Thời gian hấp thu của rượu phụ thuộc vào tình trạng thức ăn có trong dạ dày. Rượu được hấp thu chậm khi dạ dày đầy thức ăn và hấp thu nhanh khi dạ dày rỗng, các thức ăn chứa nhiều mỡ sẽ làm rượu chậm hấp thu hơn so với các thức ăn chứa nhiều chất bột. Nồng độ của rượu cũng ảnh hưởng đến sự hấp thu
Các biểu hiện chính của ngộ độc rượu: Giảm và mất khả năng vận động tự chủ như không cầm được bát đũa, rót nước ra ngoài…, không điều khiển được hành vi, nói líu lưỡi, gọi nhầm tên người… Sau khi uống quá nhiều, người uống không thể đi lại được, mất cân bằng cơ thể, không tự ngồi được. Khi cơ thể không còn chuyển hóa được, rượu uống vào sẽ bị nôn ra. Nhiều trường hợp người uống rơi vào hôn mê, mất tri thức, gọi hỏi không biết, mất các phản xạ, đặc biệt hay gặp hiện tượng này ở người mới uống rượu hay ít uống mà lại uống quá nhiều.
Những trường hợp ngộ độc quá nặng, rượu sẽ ức chế trung tâm hô hấp và gây ngừng thở. Cần đặc biệt chú ý với người có tuổi hay đang có bệnh lý tim mạch, say rượu thường che lấp những triệu chứng của tai biến tim mạch như xuất huyết não, nhồi máu cơ tim. Khi say rượu, ngoài mất các giác quan và phản xạ, người say rượu còn dễ bị viêm phổi do lạnh hay sặc chất nôn.
Say rượu hay ngộ độc rượu được chia thành 3 mức độ:
+ Mức độ nhẹ: Say rượu mức độ nhẹ thấy ngưỡng cảm giác giảm, rối loạn chú ý, phản ứng chậm, tư duy logic giảm sút, hiểu biết xung quanh rất khó khăn, khả năng phê phán giảm, khí sắc dao động và thường là tăng, hay nổi khùng, dễ bị kích thích, thậm chí rất hung bạo. Các triệu chứng trên thường phối hợp với rối loạn vận động và rối loạn ngôn ngữ. Khi có biểu hiện say rượu mức độ nhẹ thường xử trí tại nhà. Cho bệnh nhân nằm nghỉ trên giường, ủ ấm, uống nước chè pha đường nóng. Bệnh nhân đi vào giấc ngủ dài, sau ngủ dậy sẽ tỉnh táo.
+ Mức độ trung bình: Say rượu mức độ trung bình rối loạn chú ý nặng hơn, bệnh nhân hay đãng trí, tri giác thiếu chính xác và sai thực tại. Quá trình hoạt động trí tuệ diễn ra với nhịp độ chậm hơn trước. Xuất hiện tư duy thiếu logic. Các ham thích cũ vượng lên đặc biệt là hoạt động tình dục. Nổi bật trong giai đoạn này là hành vi hung bạo, tấn công và thường gây gổ, đánh nhau gây nhiều phiền phức cho xung quanh. Xuất hiện các rối loạn phối hợp vận động làm cho bệnh nhân đi lại loạng choạng và nói khó. Ở mức độ này thường điều trị tại trạm xá. Gây nôn cho bệnh nhân bằng các kích thích vật lý (ngoáy họng bằng lông gà, móc họng…) hoặc apomorphin. Cho uống nước chè đường nóng. Cố định bệnh nhân tại giường. Dùng vitamin B1 tiêm bắp. Có thể thay thế vitamin B1 bằng các chế phẩm khác có chứa vitamin B1 như vitamin 3B…. Vitaplex truyền tĩnh mạch 30 giọt/phút. Vitaplex có chứa vitamin B1, glucoza, điện giải nên thích hợp cho điều trị các bệnh nhân say rượu. Không được dùng thuốc an thần hoặc thuốc ngủ vì dễ gây ức chế hô hấp.
+ Mức độ nặng: Say rượu mức độ nặng được biểu hiện bằng trạng thái choáng váng ngày càng tăng. Những giấc ngủ sâu kéo dài hơn. Trong nhiễm độc rượu nặng có thể gây ra trạng thái bán hôn mê hoặc hôn mê kèm theo các rối loạn cơ thể nặng. Nhiều trường hợp cần phải rửa dạ dày, trợ tim mạch và hô hấp. Trường hợp say rượu nặng nên điều trị tại bệnh viện. Cố định bệnh nhân tại giường, ủ ấm, rửa dạ dày, hút đờm rãi, thở ôxy. Bệnh nhân cần được truyền dịch để ổn định huyết áp, nuôi dưỡng và thải độc, cho vitamin B1. Nếu cần phải cho lợi tiểu. Cần theo dõi chặt mạch, nhiệt độ, huyết áp, nhịp thở, lượng nước tiểu, ý thức của bệnh nhân. Cần chú ý phát hiện các biến chứng do say rượu.
Một trong những hậu quả nghiêm trọng của người nghiện rượu là bị xơ gan. Khi ngừng uống rượu, tức là ngừng đưa chất cồn độc hại vào cơ thể, nên gan không phải tiếp tục khử độc chất cồn, nghĩa là gan được nghỉ ngơi. Lúc này công tác chữa trị chỉ tập trung vào việc giải quyết những hậu quả còn lại ở gan. Gan không tiếp tục bị tổn thương thêm nên khả năng hồi phục của gan rất cao.