Huyền thoại Thương truật

CÓ 2 HUYỀN THOẠI NÓI VỀ VỊ THƯƠNG TRUẬT

Chuyện thứ nhất:
Năm thứ 200, vào cuối đời nhà Hán, binh biến không ngừng, khắp nơi sống trong cuộc sống chạy loạn quanh năm, cho nên dù ai có ruộng đất cũng không thể nào trồng trọt gì được. Đã thế lại bị thiên tai đủ thứ liên tiếp không ngừng. Lúc bên bờ sông miền Đông bị thủy tai, thì bên bờ phương Bắc bị hạn hán. Dân chúng không thể nào sống trong cảnh an cư lạc nghiệp được.

Lúc ấy, một nơi nay là thành phố Nam Dương, thuộc tỉnh Hà Nam, tình hình càng nguy ngập. Mỗi ngày có hàng ngàn người chết đói. Những người may mắn còn thoi thóp chỉ đi rải rác khắp nơi xin ăn. Trong tình cảnh thiên tai nhân họa như thế, bao nhiêu cây cỏ hoa lá hầu như bị đào bới hết sạch. Mọi người chỉ còn cách đi sâu thêm vào rừng núi cao xa, để mong tìm thứ gì nhai được qua ngày. Dù rau cỏ dại trong rừng, chỉ dùng tạm một thời gian ngắn thì không sao, nhưng lâu ngày, thiếu dinh dưỡng quá độ, người lánh nạn cứ chết dần chết mòn…

Mấy chục năm sau, không biết bao nhiêu là vật đổi sao dời, một hôm có một cô gái trẻ tự xưng họ Vương, đến một làng gần vùng Nam Xương. Cô nói là cô đã trốn vào trong rừng ngần ấy năm, nay nhớ nhà quá chịu hết nổi, nên đánh liều mò ra. Những người còn sống sót trong vụ vừa chạy giặc, vừa chạy thiên tai, thủy tai năm ấy, không một ai nhận ra cô Vương bây giờ là cô bé ốm đói ngày xưa. Lý do là đã bao nhiêu năm tháng qua mà cô gái trông không đứng tuổi hay già thêm tí nào. Da mặt cô mịn màng, hồng hào như da một thiếu nữ. Không ai tin được là cô gái xinh đẹp khỏe mạnh này với cô bé ốm o gầy còm ngày xưa là một người. Cô Vương phải phân trần, chứng minh đủ điều người làng mới chịu tin trong sự ngạc nhiên vô cùng.

“Năm ấy tôi và người làng chạy vào rừng, vì mọi người đã tận dụng tất cả những gì có thể ăn được, hết sạch lương thực, nhiều người bắt đầu chết đói. Tôi sợ quá nên cố đem hết tàn lực gắng vào rừng sâu hơn. Ở đấy, tôi gặp được một cụ già, cụ thấy dáng điệu gần chết đói thảm não của tôi, bèn dạy cho tôi cách sống trong hang đá, cách lấy nước và ăn Thương truật. Từ đấy mỗi ngày tôi đào Thương truật ăn cho qua bữa. Không hiểu vì sao, sau khi ăn, tôi không thấy đói, hình như khỏe mạnh thêm lên. Và cho đến bây giờ tôi cũng không bao giờ đau ốm gì cả”.

Chuyện cô Vương một đồn mười, mười đồn trăm, ai cũng tin nên cả vùng Nam Dương đều gọi Thương truật là thần dược.

Chuyện thứ hai
Một năm nọ vợ chàng Trần Tử Hoàng, bị bệnh nằm liệt giường, bỏ ăn uống, mặt mày cũng ốm o vàng khè.Từ lúc bắt đầu bệnh bà chỉ nằm yên, không có sức mà nhúc nhích nữa. Người chồng rất lo sợ, mời rất nhiều thầy thuốc xem bệnh, đã uống nhiều thuốc nhưng đều vô hiệu.

Một hôm trong lúc thất vọng và lo sợ cho tính mạng của vợ, chàng chợt nhớ đến chuyện cô gái họ Vương. Tuy nửa tin nửa ngờ, nhưng còn nước còn tát, chàng vội lên núi đi tìm Thương truật đào về sắc cho vợ uống. Sau mấy tuần uống thuốc đều, bệnh nhân tỉnh táo dần, tinh thần cũng minh mẫn gấp bội, và cứ thế, càng uống thuốc càng tin tưởng. Người bệnh từ giã giường bệnh, trông khỏe mạnh xinh đẹp hơn xưa. Vợ chồng sống lại những ngày trẻ trung hạnh phúc tuyệt vời, nên chẳng bao lâu trong nhà lại có tiếng trẻ cười khóc vui đùa, làm cuộc sống thật lý tưởng…

THƯƠNG TRUẬT

Tên khoa học: Atractylodes lancea (Thunb.) DC. Thuộc họ Cúc (Asteraceae).

Bộ phận dùng: Thân rễ khô (Rhizoma Atractylodis). Lựa củ to, cứng, chắc, không râu, chỗ gẫy nhiều đốm Chu sa, mùi thơm nồng, chỗ gẫy để lâu có thể có tủa tinh thể như lông trắng là loại tốt.

Thương truật giống như chuỗi hạt không đều hoặc hình trụ tròn nối đốt nhau. Thường có dạng cong, nhăn, lớn nhỏ không đều, dài 3 – 9cm, đường kính khoảng 2cm. Mặt ngoài màu nâu tro hoặc nâu đen, có vân nhăn và cong chạy ngang, có vết thân cây còn lại. Thuốc cứng, dễ bẻ gẫy, chỗ gẫy màu trắng vàng hoặc trắng tro, có nhiều đốm dầu thường gọi là “Chu sa diêm”. Mùi thơm, đặc biệt nồng đặc, vị hơi ngọt, đắng.

Theo Đông y, Thương truật vị đắng, cay, tính ấm, khí mạnh, vào hai kinh Tỳ và Vị, có tác dụng Táo thấp, kiện tỳ, phát hãn, giải uất.

ĐƠN THUỐC KINH NGHIỆM DÙNG THƯƠNG TRUẬT TRỊ BỆNH

• Trị tóc bạc, làm cho da mặt xinh tươi, trẻ đẹp: Thương truật 1 cân, dùng nước gạo tẩm ½ ngày, tán bột. Địa cốt bì, rửa với nước ấm cho sạch, bỏ lõi, phơi khô, tán bột, 1 cân. Quả dâu (Tang thầm) chín 20 cân, cho vào chậu sành vò nát, dùng vải hoặc lụa vắt lấy nước cốt, trộn với thuốc bột của 2 vị trên, quấy đều như hồ, đổ vào mâm (bằng nhôm thì tốt).

Ban ngày phơi nắng mặt trời, ban đêm phơi sương cho nó hút lấy những khí tinh hoa tinh túy của mặt trời, mặt trăng, đợi đến khi khô, tán bột. Dùng mật ong luyện hồ, trộn thuốc bột làm viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 20 viên với rượu ngon, mỗi ngày 3 lần. Uống được 1 năm, tóc đã bạc rồi cũng có thể biến thành đen. Uống liên tục 3 năm thì nhan sắc xinh tươi, trẻ đẹp như thiếu niên.

• Trị da mặt vàng, không còn sắc máu, biếng ăn, thích nằm, khí lực và tinh thần đều sút kém: Thương truật 1 cân, Địa hoàng ½ cân. Về mùa Đông thêm Can khương 40g, mùa Xuân, Thu 28g, mùa Hè 20g. Tán bột, dùng hồ làm viên to bằng hạt Ngô đồng. Mỗi lần uống 30 viên.

• Trị trong bụng hư lạnh gây nên không thích ăn uống, ăn không tiêu, dần dần gầy ốm: Thương truật 3 cân, men rượu 1 cân, sao vàng, tán bột. Dùng mật luyện hồ trộn thuốc bột làm viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 30 viên, ngày 3 lần. Nếu lạnh quá thêm Can khương 30g; Nếu bụng đau âm ỉ, thêm Xuyên quy 90g; Gầy ốm quá thêm Cam thảo 60g.

• Trị chứng Tỳ thấp, tiêu chảy, kiệt sức, không ăn uống được, tiêu sống phân: Thương truật 80g, Bạch thược 40g, Hoàng cầm 20g, Quế 8g. Tán bột, mỗi lần uống 12g với nước cơm.

• Trị về mùa hè bị tiêu chảy do ăn uống không điều độ: Thần khúc, Thương truật, tẩm nước gạo 1 đêm, sấy khô, tán bột. Dùng hồ trộn thuốc bột làm viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 30 viên với nước cơm.

• Trị ăn vào là đi tiêu ngay, kiết lỵ lâu ngày không khỏi: Thương truật 60g, Xuyên tiêu 30g, tán bột. Dùng giấm làm hồ trộn thuốc bột làm viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 20 viên trước bữa ăn.

• Trị trẻ nhỏ bị báng tích: Thương truật 160g, tán bột. Gan dê 1 bộ, dùng dao tre mổ gan ra, rắc thuốc bột vào rồi dùng chỉ buộc lại, cho vào nồi đất, nấu thật nhừ. Giã nát, làm viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 20 viên với nước nóng.

• Trị Tỳ kinh có thấp khí, ăn ít, ăn không ngon, chân tay phù, cơ thể mỏi mệt, nặng nề, không có sức do tửu sắc, ăn uống quá sức, lao nhọc… nóng trong xương, gây nên chứng hư lao: Thương truật thật tốt 20 cân, tẩm nước gạo, bỏ vỏ ngoài, tẩm nước gạo 1 ngày đêm. Hôm sau lấy ra, thái mỏng, phơi khô, sao vàng. Cho vào nồi, đổ đầy nước, nấu 1 ngày 1 đêm, bỏ bã. Lại cho thêm Thạch nam diệp 3 cân (lau sạch màng đỏ), Chử thực tử 1 cân, Xuyên quy ½ cân, Cam thảo 120g, nấu 1 ngày 1 đêm, lọc bỏ bã, thêm Mật ong 3 cân, nấu thành cao. Mỗi lần uống 20g, lúc đói, uống với rượu thì tốt hơn.

• Trị mắt có màng mộng, làm thanh vùng đầu mặt, giữ vững hạ tiêu: Thương truật 1 cân, rửa sạch, chia làm 4 phần. Mỗi phần tẩm với Rượu, Giấm, nước Gạo nếp, Đồng tiện, ngâm 3 ngày, mỗi ngày phải thay nước. Thái mỏng, bồi khô. Thêm Hắc chi ma vào, sao cho thơm, tán bột dùng rượu nấu với miến làm hồ, trộn thuốc bột làm viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn. Mỗi lần uống 30 viên.

• Trị lưng đau, chân yếu vì thấp khí làm cho tê, chân tay mỏi: Thương truật 1 cân, thái ra, trộn đều, chia làm 4 phần. Mỗi phần tẩm với nước Gạo, nước Muối, Giấm và Rượu, tẩm 3 ngày đêm, mỗi ngày thay nước 1 lần, rồi phơi khô, trộn đều. Lại chia làm 4 phần, mỗi phần sao chung với Xuyên tiêu, Hồi hương, Bổ cốt chỉ, Hắc khiên ngưu đều 40g. Sao cho đến khi bốc mùi thơm thì bỏ các vị kia đi, chỉ lấy Thương truật, tán bột. Dùng Giấm nấu làm hồ, trộn thuốc bột Thương truật làm thành viên, to bằng hạt Ngô đồng lớn.

Mỗi lần uống 30 viên, lúc đói, uống với rượu hoặc nước muối. Người trên 50 tuổi thì thêm Trầm hương 40g vào.

BÀI VIẾT MỚI
- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN