Truyện kể rằng: Ngày xửa ngày xưa… Có một cậu tú tài sống với mẹ rất hiếu thảo. Một hôm trời vừa vào hạ, bà mẹ xưa nay vốn rất mạnh khỏe bỗng nhiên bị bệnh. Trong làng chỉ có một thầy lang duy nhất, là người có thể mời được, cậu Tú vội rước ngay thầy về nhà xem bệnh cho mẹ.
Sau khi chẩn bệnh thầy cho biết là mẹ cậu Tú bị bệnh “loa lịch” tức là tràng nhạc một trong những chứng nan y. Thầy chỉ hứa tận lực của thầy còn thì xin nhờ Trời. Cậu Tú theo đơn thuốc của thầy lang cho, bốc thuốc và sắc theo lời chỉ dẫn. Nhưng mẹ cậu uống thuốc mấy ngày liền vẫn không thấy bớt chút nào. Trái lại bệnh còn nặng lên gấp bội. Cổ bà sưng to và làm mủ, rồi cương lên, bật cả máu mủ ra làm bà đau đớn nhức nhối vô cùng. Ai cũng cho rằng bà sẽ chết thôi.
Cậu Tú buồn khổ vô cùng vì cậu rất có hiếu. Cậu Tú ngày đêm vừa hầu hạ săn sóc mẹ vừa thành tâm cầu nguyện xin Trời Phật xui khiến cho cậu gặp thầy hay để xin cứu bệnh, cầu xin mẹ sẽ sống thực lâu để cho cậu có cơ hội báo hiếu báo ân. Có lẽ lòng thành của cậu đã cảm đến các đấng thiêng liêng, nên vài hôm sau, bỗng có người làng chạy đến mách là một vị lang Trung vừa mới đến làng này để thăm bệnh. Cậu Tú nghe tin cụ lang vào làng mừng quá vội vàng rước cụ về nhà thăm bệnh cho mẹ.
Sau khi chẩn mạch và khám bệnh xong cụ lang bảo: “Cậu Tú đừng lo. Trong mấy khu rừng núi quanh đây có rất nhiều cây thuốc trị được bệnh này. Tôi đã chú ý nhận xét trước khi vào làng. Chúng ta phải đi hái ngay mới được” . Chiều hôm ấy cụ lang đến đem theo một gánh dược thảo lá cành còn đầy những búp hoa màu tím. Cụ lang bảo đệ tử rửa sạch cho vào nồi đất sắc lấy nước cho bệnh nhân uống.
Quả như lời cụ nói, dược thảo rất linh nghiệm. Mẹ cậu Tú uống thuốc vài ngày sau, cổ hết sưng và tất cả đau đớn khổ sở đều tiêu tan. Uống thuốc thêm vài ngày nữa, những vết thương đã bật mủ cũng khô, và liền da lại như thường. Thấy bà già đã dần dần hoàn toàn bình phục, cũng như tất cả bệnh nhân khác trong làng. Cụ lang định đi sang làng bên cạnh nhưng mẹ con cậu năn nỉ xin cụ ở lại vài ngày dưỡng sức và cũng để cho mẹ con cậu khoản đải để tạ ơn thầy.
Trước khi từ giã cụ lang nói: “Mẹ con cậu tưởng là mang ơn tôi chữa lành bệnh, thực ra chính tôi cũng được một phần thưởng không bạc vàng châu báu nào sánh được. Tôi đã thu hoạch được một số thuốc quí không đâu có, và từ nay, lúc đi vân du chữa bệnh, có rất nhiều người đang đau khổ vì bệnh này, cũng sẽ được may mắn lây”. Cụ còn nói riêng với cậu Tú: “Cậu rất có hiếu với mẹ làm tôi cảm động vô cùng. Vì vậy tôi sẽ dạy cho cậu biết thuốc này để cứu người khác”.
Cụ lang nói xong dẫn cậu Tú lên núi dạy nhận dạng cây thuốc quí. Đó là một thứ cây nhỏ mọc đầy tràn đồi núi, lá hình bầu dục có hoa tím. Cụ nói: “Từ nay về sau nếu có ai bị bệnh loa lịch như mẹ cậu, lấy hoa này rửa sạch, sắc cho uống, đây là một vị thuốc rất quí đối với chứng bệnh này”.
Cậu Tú vừa vui mừng vừa ngạc nhiên đáp lại: “Thưa cụ giống cây này mọc tràn đồng, đâu cũng có mà lại là thuốc quí, xin cảm ơn cụ đã cho con kiến thức cứu khổ cứu bệnh này. Thật là một báu vật”.
Cụ lang mỉm cười gật đầu: “Đúng rồi, không phải ai cũng biết được báu vật, bây giờ biết rồi, cậu phải trân quí và phải dùng để giúp đời”.
Một hôm hai mẹ con đang cùng nhau trò chuyện một cách vui vẻ, vừa sắp đi ngủ bỗng nghe có tiếng gõ cửa cấp tốc như ai đang có chuyện nguy hiểm xảy ra. Đó là một chàng thanh niên người làng bên kia núi, anh ta vừa đi vừa chạy từ sáng nhưng vì đường núi xa xôi, lại khó đi nên mãi bây giờ mới đến được. Anh cho biết: “Mẹ tôi bị bệnh loa lịch, bệnh mới phát nhưng có vẻ nặng lắm. Tôi nghe nói bà thân sinh ra ông cũng bị bệnh ấy, và đã được chữa khỏi. Người ta cũng đồn rằng cụ lang Trung đã truyền lại môn thuốc ấy cho ông, xin ông làm phúc cứu mẹ tôi”. Cậu Tú vui vẻ trả lời: “Được rồi, chú đừng lo. Mai chúng ta lên núi hái thuốc mang về nhanh cho bà cụ dùng”.
Trên đường đi hái thuốc, cậu Tú kể lại tình hình, bệnh trạng của mẹ lúc đau như thế nào và chữa bệnh bằng cây thuốc quí bao lâu thì khỏi. Hai người mang theo dụng cụ cần thiết và bao tải chuẩn bị đựng thuốc, hớn hở lên núi. Một người hy vọng cứu mẹ, một người sung sướng vì thấy mình giúp được việc cho người khác. Thanh niên tối hôm qua trông khổ sở tiều tụy quá chừng, nhưng nay thấy cậu Tú đầy tự tin nên cũng bớt lo lắng. Cậu Tú vừa đi vừa nhớ đến cảnh vật trên núi mấy tháng trước, lúc cụ lang đưa cậu đi hái thuốc. Cậu an ủi thanh niên: “Chú đừng lo. Lúc mẹ tôi bị bệnh ấy, tôi còn đau khổ hơn cậu bây giờ, vì cả làng không ai biết cách chữa. Bây giờ chúng ta đã học được cách trị bệnh, và cây thuốc quí này lại mọc đầy rừng, yên trí đi, bệnh của mẹ anh thế nào cũng sẽ khỏi”.
Vừa đi vừa nói chuyện nên chẳng mấy chốc hai người đã lên đến đỉnh núi. Một điều quái lạ là cảnh vật, trên núi hôm nay hoàn toàn khác hẳn. Hai tháng trước cây thuốc quí đầy hoa, tím cả một vùng trời, thế mà nay chỉ một cây nhỏ một cành hoa cũng không thể nào tìm thấy.
Chàng thanh niên thấy cảnh vật trên núi hoàn toàn trái hẳn với sự mô tả của cậu Tú nên cũng đâm ra nghi ngờ cho là cậu Tú dối mình để đem mình ra làm trò cười. Còn cậu Tú hết ngạc nhiên đến sợ hãi, chạy đông chạy tây tìm kiếm, lục lọi tất cả các khe núi một cách tuyệt vọng. Cây thuốc quí biến mất không để lại một dấu vết gì. Người thanh niên tức giận nói: “Cậu hứa chữa lành bệnh, cậu nói cây thuốc mọc đầy núi, sự thực không có gì hết!!!”. Cậu Tú vừa buồn rầu vừa hổ thẹn, nói:
Có lẽ tôi nhớ sai chăng! Có thể không phải là quả núi này… Thế là hai người đi lang thang khắp cả mấy ngọn núi lân cận nhưng cũng không hề thấy tông tích bóng dáng cây thuốc có hoa tím đâu cả.
Cậu Tú về nhà rầu rỉ ăn nuốt không xuống, đêm nằm cũng không ngủ được, cứ mơ màng tưởng tượng đến cảnh hoa tím nở đầy đồng lẫn với cảnh muôn vật đều vàng úa tàn tạ lạnh lùng. Sáng hôm sau trong lúc đang mơ màng vì quá mệt mỏi. Cậu Tú nghe mẹ gọi đánh thức cậu dậy ra đón cụ Lang Trung trở lại. Gặp cụ lang Trung cậu quên cả chào hỏi khách sáo, vừa thấy mặt cụ là kể lể liên hồi những sự việc vừa xảy ra với cảnh tượng đồng khô cỏ cháy, cây thuốc biến mất cho cụ lang nghe.
Cụ lang nghe xong tươi cười bảo: “Ấy chính vì thế mà tôi lại phải mất công trèo đèo lội suối trở lại đây. Vì có một điều quan trọng nhất mà lúc lên núi hái thuốc tôi quên nói cho cậu biết. Bất cứ cây thuốc gì cũng có mùa thu hoạch. Tôi quên nói cho cậu biết là dược thảo này phải hái vào mùa hạ, lúc hoa đang nở rộ. Thu đến hoa tàn cành khô rồi tàn lụi không còn gì nữa. Mùa này cậu lên núi cố nhiên là không thể tìm thấy bóng dáng nó”.
Cậu Tú nghe xong, ngẫm nghĩ một lúc trả lời: “Thưa cụ, cây thuốc này chưa có tên mà nó tàn tạ vào cuối mùa hạ, vậy ta cho nó tên là Hạ khô thảo được không?”. Cụ lang nghe nói đặt tên cho cây thuốc gật gù có vẻ đồng ý: “Được bậc khoa cử tú tài đặt tên cho thì còn gì bằng. Từ nay Hạ khô thảo không còn bị gọi là cây thuốc có hoa tím nữa”. Cụ lang Trung cho cậu Tú một bao thuốc Hạ khô thảo để cậu lập tức mang sang làng bên chữa bệnh cho bà cụ mẹ chàng thanh niên hiếu hạnh. Bà cụ già may mắn nhận được thuốc kịp nên khỏi bệnh!!!
HẠ KHÔ THẢO
Tên khoa học là Brunella vulgans Lin. (Prunella asiatica Nakai). Họ Hoa môi (Lamiacae).
Trước đây phải nhập của Trung Quốc, hiện nay đã phát hiện và thu hái ở Sa Pa, Tam Đảo, Hà Tuyên vào tháng 4 – 6. Khi quả đã chín thì hái cành mang hoa và quả phơi hay sấy khô. Có khi người ta còn dùng cả phần ở trên mặt đất, thu về, phơi hay sấy khô dùng.
Tính vị: Vị đắng, cay, tính hàn. Vào kinh Can, Đởm. Có tác dụng thanh hoả, tán kết, thanh Can, minh mục. Trị Can dương vượng lên, đau đầu chóng mặt, đỏ mắt, lở vùng đầu, lao hạch cổ.
MỘT SỐ KINH NGHIỆM ĐIỀU TRỊ BẰNG HẠ KHÔ THẢO
• Trị loa lịch, mã đao đã vỡ miệng hay chưa, hoặc lâu ngày thành rò: Hạ khô 180g, sắc với 2 chén nước còn 7 phân, uống nóng cách xa bữa ăn. Người suy nhược nấu thành cao uống, đồng thời bôi vào nơi đau, uống với Thập Toàn Đại Bổ Thang thêm Hương phụ, Bối mẫu, Viễn chí thì rất hay vì đó là những vi thuốc sinh huyết, là thánh dược để trị Loa lịch (Ngoại khoa kinh nghiệm phương).
• Trị tràng nhạc, mã đao, anh bệnh, vú sưng, viêm hạch, quai bị: Hạ khô thảo, Huyền sâm. Mỗi thứ 15g, Xạ can, Nga truật, Hoàng đằng, mỗi thứ 4,5g. Sắc uống. Bên ngoài dùng nhân Phiên mộc miết (hạt gấc) mài với giấm bôi lên (Kinh nghiệm phương).
• Trị lao hạch cổ (chưa phá miệng), sưng tuyến giáp đơn thuần: Hạ khô thảo 30-60g, sắc uống, hoặc nấu thành cao uống (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).
• Trị loa lịch: Hạ khô thảo 9g, Cam thảo 3g. Sắc uống ngày 1 thang, liên tục 20 – 30 ngày (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).
• Trị lao hạch, bạch huyết, viêm hạch lâm ba, viêm tuyến vú: Hạ khô thảo 15g, Huyền sâm, Thổ bối mẫu đều 9g. Sắc uống (Lâm sàng thường dụng trung dược thủ sách).
(Lao hạch là bệnh lý ở cổ mọc những nhọt do vi khuẩn lao kết lại. Đặc điểm của bệnh là có nhiều hạch nổi lên thành chuỗi ở cổ vì vậy còn có tên là tràng nhạc. Đông y gọi là loa lịch. Vị trí bệnh thường ở vùng cổ và sau tai, phát triển chậm, hạch bắt đau nổi lên như hạt đậu, sắc da không thay đoi, không có cảm giác đau, hạch to dan thành mủ, sắc da đổi màu đỏ thâm, mủ vỡ chảy nước trong loãng ri rỉ miệng khó liền, hình thành lỗ dò).
• Trị băng huyết không cầm: Hạ khô thảo tán bột, mỗi lần uống 1 thìa cà phê với nước cơm (Thánh huệ phương).
• Trị xích bạch đới: khi Hạ khô thảo ra hoa, hái về, phơi trong râm cho khô rồi tán bột, mỗi lần uống 6g với nước cơm, trước bữa ăn (Dư thị gia truyền phương).
• Trị váng đầu, chóng mặt sau khi sinh, tâm khí muốn tuyệt: Hạ khô thảo tươi, giã nát, vắt lấy nước, uống môt chén lớn (Dư thị gia truyền phương).
• Trị chấn thương do té ngã, bị đánh đập, đâm chém: Hạ khô thảo nhai nát, rịt vào nơi đau (Vệ sinh dị giản phương).
• Trị mồ hôi gây nên lang ben: Hạ khô thảo sắc lầy nước cốt rửa hàng ngày (Càn khôn sinh ý).
• Trị huyết áp cao: Hạ khô thảo khô 30g, sắc uống 2 lần trong ngày, lúc ăn. Liên tục 10 ngày, nghỉ 10 ngày rồi uống tiếp. Dùng 2 – 4 đợt, tùy bệnh nóng nhẹ để uống (Kinh nghiệm phương).
• Trị hỏa bốc lên đầu làm nhức đầu, chóng mặt, mắt sưng đau, đỏ, huyết áp cao: Hạ khô thảo, Bồ công anh, Thảo quyết minh (sao), mỗi vi 15g, Cúc hoa, Tang diệp, Mè đen, mỗi thứ 9g. Sắc uống (Nghiệm phương).