Dưa hấu (Citrullus lanatus) là loại thực vật dây leo thuộc họ bầu bí (Cucurbitaceae), có nguồn gốc từ châu Phi, được trồng phổ biến ở các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới, có thể phát triển tốt trên đất phù sa và đất cát, ngay cả ở những vùng khô hạn, vùng nhiễm mặn ven biển để lấy quả, sản xuất nước ép trái cây,…
Hạt dưa được sử dụng trực tiếp cho con người dưới nhiều hình thức khác nhau như đồ ăn nhẹ ở Ấn Độ, Việt Nam, các nước Ả Rập và châu Phi, hoặc sử dụng như một loại gia vị trong các món ăn khác nhau. Hạt dưa cũng được sử dụng để làm đặc và nhũ hóa các món súp và món hầm để cung cấp protein trong chế độ ăn uống.
Theo y học cổ truyền, dưa hấu có vị ngọt, tính hàn, quy các kinh Tâm, Phế, Vị, Bàng quang, có công năng thanh nhiệt, giải thử, trừ phiền, chỉ khát, lợi tiểu,… điều trị hiệu quả các triệu chứng bệnh có tính ôn nhiệt. Vỏ dưa hấu (còn gọi là tây qua bì, lớp xanh ngoài cùng) có vị ngọt, tính bình, quy hai kinh Tỳ và Thận; công dụng chữa bệnh tương tự phần ruột, có thể thái mỏng phơi khô hoặc tán bột để dùng dần. Hạt dưa hấu có công dụng thanh Phế, trừ đàm, nhuận tràng, lợi tiêu hóa. Rễ và lá dưa hấu chữa được bệnh tiêu chảy, kiết lỵ. Người có Tỳ Vị hư hàn không nên ăn quá nhiều dưa hấu trong một lần.
Thành phần dinh dưỡng của Dưa hấu:
Dưa hấu chứa khoảng 6% đường và 92% nước theo trọng lượng. Cũng như nhiều loại trái cây khác, dưa hấu là một nguồn cung cấp vitamin C. Thành phần của dưa hấu trong 100 g phần ăn được (50 – 70% quả) bao gồm: nước 91,5 g; năng lượng 32 kcal; protein 0,6 g; chất béo 0,46 g; carbohydrate 7,2 g; canxi 8 mg; phốt pho 9 mg; sắt 0,17 mg; thiamine 0,08 mg; riboflavin 0,02 mg; niacin 0,2 mg; folate 2 mg; vitamin C 9,6 mg (USDA).
Dưa hấu chứa nhiều chất có hoạt tính sinh học từ nguồn gốc tự nhiên, có lợi thế hơn so với các liệu pháp bổ sung thông thường, với một nguồn phong phú lycopene, citrulline và các khoáng chất và vitamin quan trọng. Dưa hấu là một nguồn tự nhiên phong phú của lycopene, một loại carotenoid rất được quan tâm vì khả năng chống oxy hóa và có lợi cho sức khỏe. Thực vật họ bầu bí được biết là có chứa các hợp chất hoạt tính sinh học như cucurbitacin triterpenes, sterol và alkaloid.
Dưa hấu (nhất là dưa hấu có ruột đỏ) có hàm lượng lycopene cao nhất trong số trái cây và rau tươi; và chứa nhiều lycopene hơn 60% so với cà chua. Lycopene trong chế độ ăn uống của con người có liên quan đến việc ngăn ngừa bệnh tim mạch và một số bệnh ung thư.
Vỏ dưa hấu có chứa một hợp chất tự nhiên quan trọng gọi là citrilline, một loại axit amin mà cơ thể con người tạo ra từ thực phẩm. Citruline được tìm thấy ở nồng độ cao trong gan và có liên quan đến việc hỗ trợ hoạt động của hệ thống miễn dịch, nó cũng là một nguồn chất xơ tốt, rất quan trọng để giữ cho đường tiêu hóa hoạt động bình thường bằng cách ngăn ngừa táo bón, trĩ và các bệnh túi thừa.
MỘT SỐ BÀI THUỐC TỪ DƯA HẤU
• Giải cảm nắng, thanh nhiệt: Thanh lạc ẩm (Ôn bệnh điều biện): Hà diệp tươi 8 – 20g, Ngân hoa tươi 8 – 20g, Vỏ dưa đỏ 8 – 20g, Bạch biển đậu tươi 8 – 12g, Ty qua đằng 8 – 12g, Trúc diệp tâm tươi 8 – 12g. Cách dùng: sắc nước uống ngày 2 lần.
+ Hoặc dùng bài thuốc: Vỏ dưa hấu 150g, Khổ qua (mướp đắng) 50g, Bí đao 50g; Vỏ dưa hấu gọt bỏ vỏ xanh, thái vụn; Khổ qua và Bí đao đều gọt vỏ bỏ ruột rồi thái vụn; cho các vị vào máy ép lấy nước, có thể cho thêm một chút đường phèn, hòa tan rồi dùng làm nước giải khát.
+ Khi cảm nắng có sốt cao, có thể dùng: Vỏ dưa hấu 20g, Lá tre 10g, sắc với 500ml nước trong 15 phút, chia làm 3 lần uống trong ngày.
• Giảm phù thũng: Vỏ dưa hấu, Vỏ bí đao, Đậu đỏ, Phục linh, mỗi vị 30g, sắc uống 2 lần/ngày. Hoặc sử dụng Vỏ dưa hấu, Rễ cỏ tranh mỗi vị 60g, sắc uống hàng ngày đến khi giảm triệu chứng.
• Giúp hạ huyết áp: Vỏ dưa hấu 30g, Vỏ bí đao 30g, Ngưu tất 15g, sắc uống 2 lần/ngày.
+ Hoặc sử dụng: Vỏ dưa hấu 30g (phơi khô), Thảo quyết minh 15g; sắc hai vị với nước uống hàng ngày.
• Giải độc rượu: Dưa hấu (nguyên quả) 500g, Mía 200g, Đường phèn 20g. Dưa hấu rửa sạch, bỏ vỏ và hạt, thái miếng; mía róc vỏ, chẻ nhỏ. Cho hai vị vào máy ép lấy nước, có thể cho thêm ít đường phèn, uống sau khi dùng rượu bia.
Bài thuốc có công dụng: Thanh nhiệt, lợi niệu, giải độc rượu. Hoặc đơn giản chỉ sử dụng một cốc to nước ép dưa hấu, uống vài lần.
MỘT SỐ MÓN ĂN BÀI THUỐC TỪ DƯA HẤU
• Canh dưa hấu thịt heo: Chủ trị da khô ráp, giúp dưỡng ẩm cho da, cải thiện làn da.
+ Thành phần: Dưa hấu – một quả nhỏ, Thịt lợn bắp – 200g, Đại táo – 20g.
+ Cách chế biến: Thịt heo rửa sạch, thái miếng lớn cho vào nồi nước sôi chần sơ vài phút, vớt ra rửa sạch. Rửa sạch dưa, cắt vỏ dưa, cho vỏ dưa cùng thịt lợn và Đại táo vào nấu với 6 đến 8 chén nước trong 2 giờ (lửa vừa). Cắt nhỏ ruột dưa và cho vào nấu thêm 30 phút. Uống canh và ăn thịt cùng dưa. Có thể ăn hàng ngày.
• Cháo dưa hấu gạo tẻ: Giải cảm, hỗ trợ tiêu hóa, giúp giảm triệu chứng mệt mỏi, chán ăn khi thời tiết nóng bức.
+ Thành phần: Dưa hấu (nguyên quả) 1kg, Cát cánh 25g (thái nhỏ), Đường phèn 100g, Gạo tẻ 100g.
+ Cách chế biến: Dưa hấu rửa sạch, bỏ vỏ và hạt, thái miếng; nấu cháo gạo tẻ, sau đó cho các vị thuốc vào. Có thể dùng hàng ngày trong một tuần.
• Dưa hấu hấp gừng: Hỗ trợ điều trị viêm phế quản mạn tính.
+ Thành phần: Dưa hấu 1 quả, Gừng tươi 60g.
+ Cách chế biến: Khoét 1 lỗ trong quả dưa, cho gừng vào, hấp cách thủy 2 giờ; ăn cả nước lẫn cái vài lần trong một ngày. Nếu có ho nhiều đờm: có thể dùng kết hợp Hạt dưa hấu đã bóc vỏ ăn sống, hoặc sắc uống Hạt dưa 20g với nước đến khi cô cạn còn 1/3 lượng nước ban đầu.