Nguyễn Thị L… 25 tuổi. Công nhân. Vào đầu tháng 3, sau khi sinh con thứ 2 được 2 tuần thì bị chứng đau nhức. Lưng và toàn thân đau như có con gì cứ bò bò bên trong các bắp thịt. Lúc đầu chị cho là do đêm nằm nghiêng người 1 bên cho con bú gây nên nhưng sau đó, dù cho bú ở tư thế nằm ngồi… đều đau. Bế con được 1 lúc thì 2 cánh tay đau đến nỗi nhiều khi muốn rơi cả con xuống. Trong người không có chỗ nào mà không đau.
Gia đình mua cho thuốc đau nhức để uống. Hễ uống thì đỡ đau vài tiếng, sau đó lại đau như thường. Tuy nhiên được cái dễ chịu là nhiều hôm tự nhiên không đau, làm như là khỏi hẳn, nhưng vài ngày sau lại đau… Cơn đau đến không nhất định.
Gần đây, tự nhiên 2 chân bị phù nhưng không phù to, nhưng 2 bắp chân có cảm giác như gân co rút lại, đi đứng khó khăn hơn. Tuy đau và phù nhưng sức khỏe chị vẫn tốt, ăn uống bình thừờng, da mặt vẫn hồng hào, bà con đến thăm không ai biết là chị đang bệnh. Chỉ khi thấy chị đi lại có vẻ khệnh khạng họ mới biết chị đang bệnh. Những người đến thăm, người bầy thuốc này, người chỉ cách khác… Ai chỉ cách nào, người nhà cũng làm theo nhưng gần cả tháng mà bệnh tình vẫn không thuyên giảm. Mọi người đều cho rằng chị bị hậu sản.
Gia đình mời tôi đến coi bệnh cho chị. Khám thấy người chị bình thường, chỉ có 2 bàn chân và bắp chân hơi sưng, đi lại khó khăn, trong người cảm thấy nóng nẩy, khó chịu. Sờ tay vào da cũng thấy nóng. Mạch 2 tay nhẩy mạnh và nhanh. Tôi cho là do nhiệt độc xâm nhập vào gân gây nên bệnh.
Cho dùng:
+ Củ Sắn dây 30g
+ Sương sáo 20g
Nấu với 1 lít nước, còn 200ml. Chia làm 2 lần uống.
Uống đến ngày thứ hai chị cho biết cảm thấy bớt nóng, bắp chân có vẻ mềm hơn, tiểu nhiều hơn và bớt phù.
Uống liên tục 1 tuần, 2 bàn chân hết phù, bắp chân không bị co cứng nữa, đi lại gần như bình thường, tay và lưng cũng hết đau. Bế con không thấy tay đau nữa. Đêm dù nằm nghiêng cho con bú ở 1 tư thế như vậy đến sáng vẫn không đau.
Uống tiếp đến 2 tuần, mọi triệu chứng đều khỏi. Hết thời gian nghỉ việc, chị đi làm tiếp tục ở xí nghiệp bình thường.
CỦ SẮN DÂY
Đông y gọi là Cát Căn.
Tên khoa học: Pueraria thomsoni Gagnep.
Họ khoa học: Cánh bướm (Fabaceae).
Sắn Dây thuộc loại dây leo, dài tới 10m. Rễ phát triển to lên thành củ, nhiều bột. Thân cây hơi có lông. Lá kép gồm 3 lá chét, lá chét hình trứng chim, lá chét lại chia 3 thùy rõ rệt, phiến lá chét dài 7-15cm, rộng 5-12cm, có lông nằm rạp trên 2 mặt lá, cuống lá chét giữa dài, xuống 2 lá chét 2 bên ngắn hơn. Hoa màu xanh lơ mọc thành chùm ở kẽ lá. Quả loại đậu màu vàng nhạt, rất nhiều lông, dài 9-10cm, rộng 10mm.
Mọc hoang và được trồng khắp nơi ở rừng núi và đồng bằng.
Theo Đông y Cát Căn vị cay, ngọt, tính bình, vào 2 kinh Vị, Bàng quang.
Có tác dụng giải cơ, hạ sốt, thăng đề vị khí. Thường dùng trị tà khí ở kinh Dương minh hoặc Thái dương làm cho gáy bị cứng.
SƯƠNG SÁO
Đông y gọi là Lương Phấn Thảo, Tiên Nhân Thảo, Tiên Thảo.
Tên khoa học: Mesona chinenis Benth.
Thuộc họ Hoa Môi (Laminaceae).
Sương Sáo là loại cây thảo, sống hàng năm, cao 15-45cm hoặc hơn, ít phân nhánh, có lông thô, rậm. Lá mọc đối, nguyên, dầy, hình thuôn dài dạng trứng, thon hẹp ở gốc, nhọn ở chóp, dài 2-4cm, rộng 1-1,5cm, mép có răng cưa, cuống dài 0,8-2cm. Cụm hoa ở ngọn khá dầy đặc vào lúc hoa nở, kéo dài ra và dài đến 10-13cm, có lá bắcmầu hồng ở góc, hoa có cuống dài, có lông. Đài có lông, 3 răng ở môi trên; Tràng hoa mầu trắng hoặc hồng nhạt, môi trên có 3 thùy, môi dưới to. Nhụy 2 thò dài, chỉ nhụy mầu tím. Quả bế, nhẵn, thuôn, dài 0,7mm.
Theo Đông y, Sương Sáo vị ngọt, nhạt, tính mát.
Có tác dụng thanh nhiệt, giải thử, trị gân cơ đau nhức, khớp đau nhức.