Rượu uống vào cơ thể, tuy chất men có tác dụng gây hưng phấn nhất thời nhưng hậu quả của việc uống nhiều rượu để lại không kể hết được. Mỗi trường hợp đều ít nhiều để lại tai hại cho chính đương sự về lâu về dài.
Trần Văn Kh. 28 tuổi. Thợ xây. Hầu như ngày nào, khi tan việc cũng đều tụ tập uống với các bạn đồng nghiệp, mỗi ngày không dưới 2 xị. Riêng ngày thứ bẩy cuối tuần, lãnh lương xong, lại ăn mừng đến nửa đêm, về đến nhà trong tình trạng nửa say nửa tỉnh, có hôm nằm ngủ cả ở ngoài đường…
Gần đây, Kh thường hay kêu đau nhức 2 chân. Sáng thức dậy 2 mắt cá chân sưng to, đi lại dần mới xẹp bớt nhưng đứng xây lâu lại sưng lên làm cho mắt cá chân đau, bàn chân tê, không thể đứng lâu để xây được. Đầu gối đứng lên ngồi xuống khó khăn, ảnh hưởng rất lớn đến công việc đang làm. Mỗi lần đau như vậy, ghé tiệm thuốc Tây mua vài viên thuốc uống thì đỡ nhức ngay nhưng chỉ được vài tiếng lại đau lại. Dần dần chân và gối đau nhiều hơn không thể đi làm được. Vừa đau, vừa không làm việc được lại vừa bị rượu hành do không có điều kiện uống. Các thứ trên làm cho Kh. Đau đớn, khổ sở. Thuốc giảm đau gần đây lại ít hiệu quả, uống liên tục mà không hết hẳn đau. Kh cho biết nhiều lúc đã nghĩ đến tự tử cho khỏi chịu nỗi đau đớn này.
Bài thuốc chỉ có 2 vị sau đây, tuy đơn giản nhưng đã trị lành cho Kh.
Dừa xiêm 1 trái, gọt vỏ, khoét 1 lỗ. Đậu đen 160g, không rửa nước, chỉ dùng khăn khô lau cho sạch, đổ vào trong lòng quả Dừa, đậy kín lại. Đem chưng cho đến khi Đậu chín nhừ, đổ ra, lọc lấy nước uống dần trong ngày. Mấy ngày đầu, chưa thấy kết quả, Kh. tính bỏ để chích thuốc, tôi khích lệ Kh. uống tiếp. Đến ngày thứ 5, Kh. cho biết có biến chuyển: đi tiểu nhiều hơn, mắt cá chân xẹp dần, co duỗi khớp gối thấy bớt đau, có thể đi khập khễnh từ nhà trên xuống nhà dưới để tiêu tiểu. Uống được 2 tuần, chân không còn nhức nữa, mắt cá chân trở lại bình thường, khớp gối chỉ còn hơi đau, ăn uống cảm thấy ngon miệng, ăn được nhiều hơn so với trước. Tiếp tục uống như vậy 1 tháng, các triệu chứng đau, sưng đều hết, lên được 3kg.
Cũng từ đó, Kh. bỏ luôn được rượu. Hỏi có phải tại đau rồi sợ rượu không? Thì Kh. cho biết, không rõ tại sao nhưng từ khi uống nước Dừa + Đậu Đen này, Kh. nhìn thấy rượu là chán, thử uống 1 ít, thấy nhạt nhẽo, vô duyên… sao đấy nên bỏ luôn. Không biết có phải nước Dừa Đậu Đen còn có thêm tác dụng cai rượu nữa hay không? Nhưng ai cần cai rượu cứ thử xem vì chẳng gây tác hại gì cho cơ thể!!!
DỪA
Đông y gọi là Gia Tử.
Tên khoa học: Cocos nucifera L.
Thuộc họ Cau (Arecaceae).
Dừa thuộc loại cây trụ, cao đến 20 mét. Thân nhẵn, có nhiều vết sẹo to do bẹ lá rụng để lại. Lá rất to, có bẹ ôm lấy thân cây và 1 trục mang nhiều lá chét xếp 2 dẫy đều đặn ở 2 bên. Buồng hoa ở nách lá. Lúc đầu ở trong 1 mo dầy, phân nhánh nhiều thành bông, mỗi bông mang hoa đực ở trên và hoa cái ở dưới. Hoa đực có 6 mảnh bao hoa mầu vàng, 6 nhụy và 1 nhụy lép. Hoa cái lớn hơn, có 6 mảnh bao hoa, 3 lá noãn nhưng chỉ có 1 lá noãn phát triển thành quả hạch mang 1 hạt. Quả khô gồm 3 lớp vỏ, vỏ trong gọi là sọ dừa. Hạt to, có nội nhũ đặc biệt, gồm phần nước ở trong và phần cứng (cùi dừa) ở ngoài.
Theo Đông y: Nước Dừa vị ngọt, tính bình.
Có tác dụng trị tiêu khát, nôn ra máu, thủy thủng, trừ phong nhiệt.
ĐẬU ĐEN
Đông y gọi là Hắc Đại Đậu, Hắc Đậu.
Tên khoa học: Vigna cyclindrica L.
Thuộc họ Cánh Bướm (Fabaceae).
Cây Đậu Đen thuộc loại cây thảo, sống hàng năm, toàn thân không có lông. Lá kép với 3 lá chét, mọc so le, có lá kèm nhỏ. Lá chét ở giữa to và dài hơn 2 lá chét bên. Hoa mầu tím nhạt. Quả dài, tròn, chứa từ 7-10 hạt mầu đen.
Đậu Đen có 2 loại: Loại hạt trắng lòng và loại hạt xanh lòng (Thường dùng loại xanh lòng).
Theo Đông y, Đậu Đen vị ngọt, nhạt, tính mát.
Có tác dụng bổ huyết, bổ can thận, giải phong nhiệt, giải độc.