Năm mới 2023 sắp đến. Theo Á Đông năm 2023 được gọi là năm Quý Mão – năm con MÈO. Chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị những cây thuốc, vị thuốc hân hạnh được mang tên mèo.
CHÀM MÈO
Tên khác: Chàm lá to.
Tên khoa học: Strobilanthes cusia (Nees) Kuntze. Thuộc họ Ô rô – Acanthaceae.
Là loại cây nhỏ, sống nhiều năm, cao 40-80cm (có khi đến 2m); thân nhẵn, phân nhánh nhiều, phình lên ở các mấu. Lá mọc đối, thường mềm ỉu, hình trái xoan hay bầu dục thon, dài 10-13cm, gân phụ 6-7 cặp, mép có răng hay khía tai bèo, các lá cùng một đôi thường không bằng nhau. Hoa mọc so le hay mọc đối, xếp thành bông ít hoa; các bông này lại xếp thành chuỳ; lá bắc hình lá, nhẵn, lá bắc con hình sợi; đài cao 1cm, các lá đài nhọn; tràng hoa màu lam đến tím, cuống dài 3-3,5cm, phía trên loe ra, có 5 thuỳ bằng nhau, nhị 4; bầu không lông. Quả nang dài, không lông. Mùa hoa quả tháng 11-2.
Thường dùng lá – Folium Strobilanthis Cusiae, cũng gọi là Mã lam; Bột chàm – Indigo naluralis, Lá được chế biến khô gọi là Thanh đại, thân rễ và rễ gọi là Bản lam căn.
Dược học hiện đại cho thấy lá Chàm mèo chứa 0,4-1% indican. Khi thuỷ phân, indican cho indoxyl và glucose. Khi bị oxy hoá, indoxyl cho indigotin. Indigotin có màu xanh lam sẫm. Còn có indirubin.
Chàm mèo và Thanh đại có vị đắng nhạt, tính lạnh, vào 2 kinh can, vị, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát máu, tiêu ban, lương huyết. Dùng chữa các chứng bệnh cấp tính: sốt cao, nhức đầu, miệng khát, phát ban, chảy máu cam, lỵ, mụn nhọt độc, mẩn ngứa, viêm họng, nhiễm khuẩn huyết, viêm amidan, viêm đường hô hấp, sưng viêm và cầm máu. Thanh đại tính hàn, như là chàm và cũng tác dụng thanh nhiệt, tán uất, lương huyết, giải độc. Người ta đã nghiên cứu tác dụng kháng nội tiết sinh dục nữ, gây sẩy thai, gây tăng co bóp tử cung một cách nhịp nhàng.
Nghiên cứu gần đây cho thấy Thanh đại có tác dụng tốt trong việc chữa trị ung thư bạch cầu do có chứa indirubin. Rễ chàm mèo (Bản lam căn) còn dùng chữa viêm não truyền nhiễm, viêm não B, thương hàn, quai bị.
Chàm mèo được dùng chữa trẻ em cam nhiệt, sốt, kinh phong, sốt phát cuồng, sưng ami đan, nôn mửa, thổ huyết, phụ nữ rong kinh, rong huyết. Ngày dùng 4-6g cao lá trộn thêm đường, hoặc dùng 1-4g bột Thanh đại với nước. Dùng ngoài lấy cả cây Chàm mèo nấu cao đặc bôi chữa chàm chốc viêm lợi chảy máu mồm miệng lở loét, rắn độc và sâu bọ cắn.
CÂY MẮT MÈO
Tên khoa học: Mucuna pruriens, thuộc họ Đậu (Fabaceae).
Các tên khác là Đậu mèo rừng, Móc mèo, Đậu ngứa.
Cây mắt mèo là loại dây leo, sống nhiều năm, khi khô có màu xám đen. Thân, lá, quả đều có nhiều lông tơ. Hoa mắt mèo mọc thành chùm dài, buông thõng xuống, mang nhiều hoa màu tím thẫm tập hợp thành cụm. Đài hoa hình cái đấu, có nhiều lông trắng xen lẫn những lông ngứa màu vàng hung. Trái mắt mèo có hình chữ S, phủ đầy lông màu vàng hung trông như lông mèo, bên trong chứa 4 – 5 hạt hình bầu dục, loại lông này rất ngứa khi chạm phải. Cây mắt mèo mọc hoang ở khắp các vùng đất hoang, đồi núi, thường bò lan trên mặt đất hoặc leo lên các lùm cây hai bên rạch nước hoặc ven rừng.
Cây mắt mèo được xếp vào loại cây độc do trong hạt chứa các chất levodopa serotonin, nicotine, bufotenine và một số chất khác, có tác dụng gây ảo giác. Tuy nhiên được biết nhiều hơn do lớp lông bao phủ bên ngoài trái và hạt là lông ngứa, chứa chất mucunain và serotonin nổi tiếng gây ngứa da. Trẻ em chơi hái hay vô tình sờ chạm phải quả mắt mèo, hay do sự phát tán trong không khí, lông bay chạm vào da cũng gây ngứa dữ dội, da bị sưng dộp. Càng gãi càng ngứa nhiều hơn. Lông ngứa chạm vào mắt thì có thể bị mù tạm thời. Nếu bị dính lông mắt mèo, đừng gãi ngứa, dùng băng keo to bản dán áp lên vùng da ngứa rồi lột ra, lông mắt mèo sẽ dính theo băng keo ra khỏi da.
CÂY MÓC MÈO
Móc mèo còn được gọi bằng nhiều tên khác như Vuốt hùm, Móc diều, Điệp mắt mèo, Móc mèo núi.
Theo ‘Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam’ của Đỗ Tất Lợi (NXB Y học, 2000) thì Móc mèo có tên khoa học là Caesalpinia minax, thuộc họ Vang (Caesalpiniaceae). Chưa có tài liệu nghiên cứu sâu về cây này. Kinh nghiệm dân gian dùng rễ dạng thuốc sắc hay ngâm rượu chữa đau nhức, mất ngủ, còn hạt ngâm rượu ngậm chữa đau răng.
Theo ‘Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam’ (nhiều tác giả, NXB Khoa Học và Kỹ Thuật Hà Nội, năm 2004), không gọi Móc mèo mà gọi tên là Móc mèo núi, tên khoa học là Caesalpinia bonducella, họ Vang (Caesalpiniaceae).
Theo ‘Từ điển cây thuốc Việt Nam’ của Võ Văn Chi (NXB Y Học, 1999), Móc mèo có tên khoa học là Caesalpinia bonduc, thuộc họ Đậu (Fabacea), hạt được dùng theo kinh nghiệm dân gian để chữa bệnh sốt cơn và làm thuốc bổ.
Ở Malaysia, nước hãm lá dùng trị sán xơ mít.
Ở Thái Lan, lá lợi trung tiện được sử dụng làm thuốc chữa tiểu tiện không bình thường. Rễ được dùng làm thuốc phát hãn (làm toát mồ hôi) và dùng chữa hóc xương.
Như vậy, theo các tài liệu đáng tin cậy nêu trên thì có đến 3 cây Móc mèo với tên gọi và họ thực vật khác nhau.
Có nhiều tin đồn cho rằng hạt Móc mèo có thể trị được ung thư, theo các chuyên gia thì việc hạt Móc mèo trị bệnh ung bướu là thông tin hoàn toàn mới lạ. Theo tài liệu nước ngoài: Năm 2001, nhóm nghiên cứu của Ren-Wang Jiang (Hồng Kông) đã chiết xuất từ hạt Móc mèo chất Furanoditerpenoid lactones, xác định chất này có tính kháng vi rút. Chưa có nghiên cứu nào về loài móc mèo có hạt trị ung bướu.
MÓC MÈO XANH
Tên khoa học: Caesalpinia digyna Rottl, thuộc họ Đậu (Fabacae).
Còn gọi là Vang xanh.
Bộ phận dùng: Rễ, gỗ (Radix et Lignum Caesalpiniae Digynae).
Thành phần hóa học: Vỏ quả khô chứa đến 52% tanin có phẩm chất tốt. Cây chứa chất đắng bonducin, saponin.
Rễ chát, làm săn da.
Vỏ cây giã ra dùng làm bột duốc cá. Quả lùi trong tro chín dùng ăn được.
Ở Lào, thân cây được dùng làm thuốc chữa bệnh vàng mắt.
Ở Án Độ rễ được dùng trị bệnh lao phổi, trằng nhạc và tiểu đường.
NẤM MÈO
Nấm mèo hay còn gọi là Mộc nhĩ, Vân nhĩ, Thụ kê, Nhĩ tử, Mộc nga, Mộc nhu, Mộc ngài, Mộc khuẩn…
Dân gian gọi là nấm mèo đen hoặc là nấm tai mèo vì lúc còn tươi nấm có hình dạng giống tai mèo. Mặt ngoài tai nấm màu nâu nhạt, có lông mịn, mạch trong nhẵn màu nâu sẫm.
Mộc nhĩ đen tên khoa học là Auricularia Polytricha Sacc, thuộc họ Mộc nhĩ (Auriculari Aceae).
Mộc nhĩ chứa nhiều protit, chất khoáng và vitamin, mỗi 100g mộc nhĩ có chứa 10,6g protit; 0,2g lipit (hàm lượng chất béo tuy không cao nhưng chủng loại khá phong phú có cả Lecithin, Cephalin và Sphingomyelin), 65.5g gluxit (chủ yếu là Mannoza, Polymannoza, Glucoza, Xyloza, Pentoza…), 210mg Canxi, 185mg Photpho, 185mg Sắt, 10.03mg Caroten, 0.15mg Vitamin B1, 0.55 mg Vitamin B2, 2.7mgVitamin B3.
Ngoài ra, mộc nhĩ còn chứa rất nhiều loại sterol như Ergosterol và 22,23 – dihydroergosterol. Có thể nói mộc nhĩ rất giàu chất dinh dưỡng, đặc biệt hàm lượng sắt rất cao, vượt xa các loại thực phẩm vốn chứa rất nhiều sắt khác như rau cần, vừng, gan heo.
Theo Đông y, mộc nhĩ đen vị ngọt, tính bình, có công dụng làm mát và cầm máu, ích khí dưỡng huyết hoạt huyết, nhuận phế ích vị, nhuận táo lợi tràng, giải độc, ích khí dưỡng âm. Thường được dùng làm thức ăn và làm thuốc cho những người mắc các bệnh đại tiện ra máu do trĩ, kiết lỵ tiểu ra máu…, táo bón, viêm dạ dầy mạn tính thể vị âm bất túc, ho do phế táo thiếu máu…
CÂY NHỚT MÈO
Cây Nhớt mèo tên khoa học là Ludwigia hyssopifolia (D.Don) Exell), thuộc họ Rau dừa nước.
Có tên khác là cây Xương cá, Rau mương, Đinh nam, Rau lục.
Là loại cây mềm nhẵn, cao 20-40 cm. Thân cành có 4 cạnh rõ. Lá mọc so le, hình mác, dài 4-8 cm, rộng 0,8-1 cm, mặt trên sẫm, mặt dưới nhạt. Hoa mọc riêng lẻ ở kẽ lá, màu trắng hay vàng nhạt; đài có ống hình trụ, 4 răng đều; tràng 4 cảnh hẹp; nhị 8; bầu loe ra ở đầu. Quả hình trụ, nhẵn, dài 1,5-1,8 cm, gồm rất nhiều hạt có hai loại: những hạt phía trên trần, dẹt; những hạt phía dưới bao bọc bởi một vỏ dai hình 3 cạnh, mở ra thành hai mảnh. Mùa hoa quả: tháng 7-9.
Cây mọc hoang, phát triển mạnh về mùa xuân hè, tàn lụi về mùa đông, thích ẩm. Thường gặp rải rác ở bờ ruộng, bờ ao, khe ngòi, ven đê, bãi sông, nhất là ở miền biển vùng Thái Bình, Quảng Ninh, Hà Nam.
Theo kinh nghiệm dân gian, nhân dân thường dùng cả cây gồm rễ, thân và lá rửa sạch, băm nhỏ, sao vàng, hạ thổ, lấy 50-100g, sắc với 400 ml nước còn 100 ml, chia 2 lần uống trong ngày để chữa kiết lỵ, tiêu chảy.
CÂY RÂU MÈO
Tên khoa học là Orthosiphon aristatus thuộc họ Bạc hà (Lamiaceae).
Còn gọi là Cây bông bạc.
Dùng cả cây, trừ rễ. Thu hái vào tháng 3- 4 trước khi cây có hoa. Phơi hoặc sấy khô.
Cả cây chứa glucosid đắng orthosiphonin, saponin, alcaloid, tinh dầu, tanin, flavonoid, cholin, betain, alcol triterpen, các acid hữu cơ: acid tartric, citric, glycolic, muối vô cơ kali.
Nhánh cây được phơi khô sắc lấy nước, lợi tiểu mạnh và tốt cho đường tiểu.
Theo Đông y, Râu mèo vị ngọt nhạt, hơi đắng, tính mát, có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, bài thạch lợi thủy (thông tiểu trừ sỏi), thông mật. Dùng trong bệnh sỏi thận, sỏi đường tiểu, sỏi túi mật, trị viêm thận cấp và mãn, viêm bàng quang, viêm khớp dạng thấp.
Ngày 5-6g bột dược liệu pha với nửa lít nước nóng, chia làm 2 lần, uống trước bữa ăn 15-30 phút. Thường uống 8 ngày lại nghỉ 2-4 ngày.
TAI MÈO
Tai mèo, tên khoa học là Abroma augusta (L.) Willd. (Theobroma augusta L.), thuộc họ Trôm (Sterculiaceae).
Còn gọi là Bông vàng, Múc.
Thường dùng Rễ, lá – Radix et Folium Abromae Augustae.
Rễ chứa 0,01% alcaloid abromine, một sterol và digitomide và 0,1% base tan trong nước. Rễ khô chứa abromasterol A. Còn có các muối calcium, magnesium và các phosphat.
Theo Đông y rễ, lá có vị hơi đắng, tính bình; có tác dụng hoạt huyết tán ứ, tiêu thũng, tiếp cốt. Vỏ rễ có tác dụng điều kinh, tăng trương lực tử cung nhưng không có ảnh hưởng đáng chú ý đối với dạ dày và ruột. Lá non và lá bánh tẻ, tước bỏ gân cứng, vò kỹ, thái nhỏ dùng nấu canh; canh có vị nhớt, mùi thơm như rau bí. Nhân dân dùng vỏ rễ làm thuốc chữa bại liệt, lậu và điều kinh.
TÁO MÈO
Tên khoa học là Docynia indica (Wall.) Decne., thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae).
Là loại cây nhỡ, cao 5m, nhánh và thân non có gai và lá có phiến có thùy. Lá ở nhánh già không có thùy, thon, dài 7-10cm, đầy lông lúc non, mép có răng nhỏ, gân phụ 6-10 cặp; lá kèm mau rụng. Tán 1-3 hoa, cuống ngắn; đài đầy lông trắng, mịn, phiến nhọn; cánh hoa to 10x5mm, mỏng, không lông; nhị ngắn; vòi nhụy 5, dính nhau, bầu nhiều noãn. Quả thịt, tròn hay hình trứng, vàng vàng to 5cm, vỏ quả trong cứng. Ra hoa tháng 2-4, quả tháng 7 trở đi. Ở nước ta, cây mọc hoang trong rừng núi cao giữa 1500 và 2000m ở Lai Châu, Lào Cai, Nghĩa Lộ, Sơn La. Cây được trồng nhiều lấy quả. Thu hái vào mùa thu, thái mỏng phơi khô.
Thường dùng quả – Fructus Docyniae Indicae.
Theo Đông y, Táo mèo quả chín màu vàng lục, vị chua, hơi chát, tính ấm, có tác dụng giúp tiêu hóa thức ăn.
Dược hiện đại cho thấy Táo mèo có tác dụng tăng cường miễn dịch, chống oxy hóa, bảo vệ gan, giảm cholesterol, giúp hạ mỡ máu, rối loạn lipid máu, đại tiện ra máu…
Khi làm thuốc, Táo mèo có tính năng giống như vị thuốc Sơn tra trong Đông y. Trong những bài thuốc mà có vị Sơn tra, có thể dùng Táo mèo thay thế.
Ngày dùng 5-10g tươi hoặc phơi khô sắc hoặc nấu cao uống.
Táo mèo thường được dùng nhiều ở dạng rượu.
Rượu Táo mèo được chế biến như sau:
Dùng 200gr Táo mèo, rửa sạch, bỏ hạt ngâm với 300 ml rượu trắng (chú ý ngày lắc bình 1 lần). Sau một tuần đem ra uống. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 10-15 ml. Sau khi uống hết rượu, trái Táo mèo còn lại trộn với đường ăn dần. Bài thuốc này chữa toàn thân đau mỏi hiệu quả và có tác dụng tăng cường khả năng tiêu hóa.
Hoặc rửa sạch, để ráo, phơi nắng vài buổi. Cắt đôi quả táo theo chiều ngang . Sau đó ngâm với đường, ngâm khoảng 3 tháng chắt nước ra đổ rượu vào bã, để càng lâu càng ngon ( ít nhất là 3 tháng ). Nước cốt có thể uống giải khát hoặc pha vào rượu uống.
Lưu ý: Theo kinh nghiệm dân gian, ăn nhiều Táo mèo có thể làm hao khí và tổn hại răng. Những người gầy còm, chức năng tiêu hóa suy yếu nặng không nên dùng.