Cây Đại

Tên khác: Bông Sứ, Sứ cùi
Tên khoa học: Plumeria rubra L. var. acutifolia (Poir.) Bailey. Họ Trúc đào (Apocynaceae).

Mô tả: Cây cao 2-3m, có khi cao đến 7m. Lá to, mọc so le, có chóp nhọn, gân hình lông chim. Cụm hoa hình ngù ở ngọn cành. Hoa màu trắng ở mép, vàng ở mặt trong, thơm. Quả Đại dài 10-15cm. Hạt có cánh mỏng. Toàn cây có nhựa mủ, còn có loại cây hoa đỏ, hoa trắng cũng được trồng.

Bộ phận dùng: Hoa, vỏ thân và vỏ rễ, nhựa mủ và lá.

Nơi sống và thu hái: Cây của Đông dương và Ấn Độ, mọc hoang và cũng được trồng ở đình chùa, vườn hoa, vườn gia đình. Trồng bằng cành vào đầu mùa xuân.

Tính chất và tác dụng: Hoa chứa một chất kháng sinh là fulvoplumerin và một ít tinh dầu mùi thơm mát. Có vị ngọt, tính mát, thơm, có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, hòa vị, nhuận trường, bổ phổi. Có tác dụng hạ huyết áp rất rõ, ở hoa khô mạnh hơn hoa tươi.
Trong vỏ thân có một glucozit gọi là agoniatin, ít tan trong nước, trong rượu. Có vị đắng, tính ấm, có tác dụng thanh nhiệt, tả hạ, tiêu thũng, sát trùng.
Nhựa cây chứa một acid gọi là acid plumeric tan trong nước sôi, rượu và ete. Rễ và vỏ chứa một chất đắng là plumerit tan trong nước, trong cồn. Có tác dụng như vỏ cây.

Công dụng:

  • Hoa: Dự phòng say nóng, tăng huyết áp, trị viêm ruột, lỵ, khó tiêu, kém hấp thu và kém dinh dưỡng ở trẻ em. Nhiễm khuẩn, viêm gan. Viêm phế quản, ho. Ngày dùng 10-20g.
  • Vỏ: Dùng chữa thủy thũng, tiểu tiện ít, táo bón, viêm chân răng.
  • Nhựa mủ: Được dùng như vỏ. Dùng bôi ngoài, chữa chai chân, sưng tấy, mụn nhọt.
  • Lá: Dùng chữa bong gân, sai khớp, mụn nhọt, thường dùng giã đắp ngoài không kể liều lượng.

BÀI THUỐC THƯỜNG DÙNG:

  • Dự phòng say nắng, say nóng: Hoa sứ khô 20g nấu với 1 lít nước, sôi 15 phút, để nguội hòa với 100g bột sắn dây uống cả ngày (khi dùng lắc đều lên).
  • Tăng huyết áp (huyết áp cao): Hoa Sứ khô 20g, hoa Hòe 20g, hoa Cúc 20g, rửa sạch, hạt Thảo quyết minh (sao đen) 20g. Nấu với 1 lít nước, sôi 15 phút, uống cả ngày, nóng hoặc lạnh.
  • Viêm phế quản cấp và mạn tính: Hoa sứ khô 20g, hoa Kim ngân 20g, hoa Khế tươi 50g. Nấu với 1 lít nước sôi 15 phút. Uống cả ngày.
  • Thủy thũng (phù nước): Vỏ Đại tươi 50g, lá Đu đủ tươi 50g, Mía tươi (chẻ nhỏ) 500g. Nấu với 2 lít nước, còn lại 500ml, chia 3 lần, uống trong ngày, khi bụng no.
  • Táo bón do nhiệt kết đại tràng (miệng thở hôi và nóng, bụng đầy, tiểu vàng, lưỡi vàng đỏ, mạch nhanh): Vỏ Đại tươi 50g, phèn chua 10g, nước Mía 500ml, thêm 500ml nước, nấu sôi 30 phút, chia uống ấm nhiều lần trong ngày.
  • Ong đánh: Dùng dao bén chặt vát một cành cây Đại, vẩy cho bớt mủ, kéo phần bị chặt theo một chiều lên vết ong đánh nhiều lần. Sau 10 phút nọc ong bị lấy ra khỏi da và nhựa làm giảm đau.
  • Chữa mụn nhọt: Dùng nhựa cây Đại bôi vào một miếng giấy nhỏ vừa với chỗ bị viêm và dán vào mụn nhọt, sau 2 giờ thay miếng khác, 2 -3 lần trong ngày.
    Kiêng kỵ: Người đang bị tiêu chảy hoặc có mang thai không dùng.

BÀI VIẾT MỚI
- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN