Tên khoa học là Buthus sp. Bọ cạp, là động vật thuộc loại côn trùng sống ở khe vách núi, đầu ngắn, thân có những đốt, bụng phía dưới thót lại và hơi dài, có 2 càng lớn và mỗi bên mình có 4 chân, phần đuôi có chứa nọc độc. Bọ cạp sống ở nhiều vùng của Việt Nam, thường được bắt vào cuối xuân, đầu hạ.
Nếu dùng cả con bọ cạp làm thuốc thì gọi là toàn yết (yết tử, toàn trùng), nếu chỉ dùng đuôi không thôi thì gọi là yết vĩ.
Cách chế biến: Khi bắt được cho ngay vào chậu hay nồi nước trong hoặc nước có pha thêm muối ăn (mỗi kilogam bọ cạp cho thêm 300-500g muối ăn). Ðậy vung lại và đun từ 3-4 giờ cho đến khi cạn nước; lấy bọ cạp ra phơi mát cho khô, không nên phơi nắng, vì nếu phơi nắng, muối có thể kết tinh. Khi dùng lại phải ngâm nước để rửa sạch hết muối đi.
Bọ cạp có vị mặn, hơi ngọt, tính bình, phần đuôi có độc, dùng trị kinh giản (động kinh), phá thương phong (uốn ván), méo miệng mắt xếch (liệt mặt), bán thân bất toại (liệt nửa người). Tác dụng rất tốt khi dùng trị uốn ván, trẻ bị kinh phong, liệt mặt, liệt nửa người do trúng phong.
Bọ cạp còn cung cấp một loại dược liệu cao cấp khác nữa, đó là nọc bọ cạp. Nọc độc của bọ cạp có tác dụng làm tê liệt các bộ phận của cơ thể con người và súc vật. Bọ cạp châu Phi là loại độc nhất, giết chết người nhanh hơn cả rắn độc. Vết đốt của nó gây đau đớn dữ dội, làm nạn nhân vã mồ hôi, tim đập nhanh, co giật mạnh, các cơ bị tê liệt dẫn đến tử vong. Bọ cạp ở Việt Nam đốt chỉ gây sưng đau, nhức nhối và phù nề, nhưng không đến nỗi gây chết người. Do nhu cầu lấy nọc bọ cạp để điều trị những rối loạn của hệ thần kinh, một số nước đã chú ý nuôi bọ cạp lấy nọc làm thuốc. Muốn có 1g nọc bọ cạp cần lấy ở 8.000 con một lần. Có thể dùng những xung điện để bắt bọ cạp tiết nọc nhiều lần. Nọc bọ cạp đắt hơn nọc rắn.
Nếu dùng thuốc sắc thì ngày dùng 3-5g; Nếu dùng thuốc bột hay thuốc viên thì chỉ dùng 2-3g, chia làm 2 hay 3 lần uống.
ÐƠN THUỐC CÓ BỌ CẠP
• Trị đau đầu: Bọ cạp 10g, Cam thảo 10g. Bọ cạp bỏ chân, đuôi, cùng cam thảo tán bột mịn mỗi lần 3g, ngày uống 2 lần sau khi ăn.
• Trị trẻ em bị kinh phong:
+ Toàn yết 3g, Địa long 1,8g. Các vị thuốc sấy khô tán bột mịn, mỗi lần uống 0,9g (cho trẻ 2 tuổi) với nước sôi để ấm, 2 giờ uống 1 lần.
+ Toàn yết 4g, địa long 4g, cam thảo 2g, tất cả tán bột. Chia làm 5 hay 6 lần uống trong ngày, uống với nước nóng.
+ Toàn yết 4g, Chu sa 1.5g. Tán thành bột mịn, dùng cơm luyện viên bằng hạt đậu xanh phơi khô, cho uống mỗi lần 1 viên, ngày 3 lần với nước sôi để nguội.
+ Toàn yết 20g, Cương tàm 35g, Chu sa 0,5g. Tất cả tán bột, mỗi lần dùng 0,9g hoà vào sữa mẹ cho uống ngày 2 lần.
• Trị trúng phong: Toàn yết l con, ngô công (rết) l con, thấu cốt thảo 15g. Tất cả sao vàng, tán bột. Mỗi lần uống 7,5 g cách nhau 6 giờ. Hoặc bọ cạp l0g, giun đất 15g, xích thược 20g, ngưu tất 20g, hồng hoa 15g. Sắc uống trong ngày.
• Trị di chứng liệt nửa người sau tai biến (chấn thương não, xuất huyết não…):
+ Toàn yết (bỏ đầu, chân) 8g, địa long (rửa sạch, sao vàng) 8g, cam thảo 4g, tất cả tán bột. Chia làm 3 lần uống trong ngày, uống với nước nóng.
+ Toàn yết 10g, Rết (đã chế) 3g, Bèo tím 20g. Bèo tím phơi khô sao vàng, tất cả tán bột, mỗi lần uống 4 – 6g với nước sôi để nguội, ngày uống 3 lần, cần uống nhiều ngày.
+ Toàn yết 8g, Đương quy 60g, Thiên ma 10g. Tán bột mịn, mỗi lần uống 6g với nước sôi để nguội, ngày uống 2 lần, cần uống trong nhiều ngày.
• Trị liệt mặt (trúng gió, mắt miệng méo xệch):
+ Toàn yết 3 con, sấy khô, tán thành bột mịn, mỗi lần 4g uống với nước có pha 50% rượu ngon, ngày uống 2 lần.
+ Toàn yết 2,5g, Bạch cương tằm 20g. Tán bột mịn, chia 2 lần uống sáng tối với nước sôi trước khi ăn.
+ Toàn yết Bọ cạp 15g (đốt tồn tính), bạch cương tằm 15g, nam tinh 15g, phụ tử 15g. Tán nhỏ, trộn đều. Ngày uống 3 !ăn, mỗi lần 5 g với nước sôi để nguội.
+ Toàn yết 3g, Đương quy 9g, Xuyên khung 9g, Thiên ma 7,5g, Hùng hoàng 12g, Tế tân 3g. Tán bột mịn, chia 7 phần, mỗi ngày uống 1 phần với 50ml nước sôi có pha 50% rượu. Nếu dùng cho trẻ em thì chỉ pha 25% rượu.
•Trị động kinh: Toàn yết 30g, Phèn chua 30g, Nghệ 30g. Sấy khô tán bột, mỗi lần uống 1,5 – 3g với nước sôi để ấm, ngày uống 2 lần.
•Trị lao xương:
+ Toàn yết 30g, Ngô công 50g, Địa miết trùng (Gián đất) 20g. Các vị thuốc sấy khô tán bột mịn. Lấy quả trứng gà, tạo thành 1 lỗ nhỏ, cho 5g thuốc vào trứng gà hấp chín cho bệnh nhân ăn, ngày 2 lần, trước khi ăn cơm, dùng trong nhiều ngày.
+ Toàn yết 30g, Ngô công 30g, Cam thảo 3g. Các vị thuốc sấy khô tán bột, dùng nước cháo viên bằng hạt đậu xanh, phơi khô, ngày uống 3 lần, mỗi lần 3 viên. Khi uống thuốc cần ăn kèm 1 quả trứng gà. Dùng nước hoàng liên rửa chỗ đau, ngày 1 lần.
•Trị u màng phổi: Toàn yết 9g, Rết 9g, Nhũ hương 24g, Phòng phong 12g, Bạch chỉ 12g, Mộc dược 15g, Đinh hương 15g, Cam thảo 12g. Sấy khô, tán bột mịn, mỗi lần dùng 15g bột thuốc cho vào lòng trắng trứng gà trộn đều đắp 2 bên hay 1 bên nơi có u. Cần thực hiện trong nhiều ngày.
• Trị đau dạ dày:
+ Toàn yết 30g, Mộc hương 9g, Hồ tiêu 7,5g, Ba đậu (bỏ đầu) 1 hạt. Các vị tán bột, dùng kẹo mạch nha luyện viên bằng hạt đậu xanh, khi mới viên xong, lăn vào bột chu sa, sau đó phơi khô, người lớn ngày uống 6 viên chia 2 lần, trẻ em ngày uống 2 viên.
+ Toàn yết 10g, Hồ tiêu 7 hạt (15g). Tán nhỏ, ngày uống 2 lần, mỗi lần 3g với nước sôi, sau khi ăn.
• Trị tâm thần:
+ Toàn yết 30g, Cam thảo 20g, rượu trắng 100ml. Cho bọ cạp vào rượu trắng ngâm sau 2 giờ, vớt bọ cạp cùng cam thảo sao vàng, bỏ cam thảo, bọ cạp tán bột mịn, người lớn chia làm 10 phần, trẻ em dưới 12 tuổi chia 22 phần (trẻ dưới 5 tuổi không dùng thuốc). Mỗi ngày uống 1 phần với nước cơm khi đói. Kiêng giấm.
+ Toàn yết 35g, Bạch cương tằm 50g, Địa long 30g, Chu sa 1,5g. Tán bột mịn. Ngày uống 1 lần, trẻ em 0,5g/ ngày, người lớn l,5g/ngày với nước đường.
• Trị bỏng: Bọ cạp 100g, Dầu vừng 500g. Bọ cạp bắt con còn sống, ngâm vào dầu vừng sau 24 tiếng là dùng được. Nếu nơi bị bỏng bị phồng mọng nước, dùng kim đã khử trùng chọc cho chảy hết nước rồi bôi thuốc này 2 – 3 lần.
• Trị quai bị:Bọ cạp rán với dầu vừng, mỗi ngày ăn 2 con, chia làm 2 lần. Dùng vài ngày.
• Trị viêm vú cấp: Bọ cạp 4 con (30g), Mai rùa 9g, Rết 1 con (15g). Mai rùa sấy vàng. Rết, Bọ cạp sấy khô, tất cả tán bột mịn, ngày uống 2 lần mỗi lần 3g với nước có pha 50% rượu. Cần uống 2 – 3 ngày.
• Trị viêm loét miệng: Bọ cạp 3,5g (sao tồn tính), bạch cương tằm 5g, hoàng liên 2,5g, xuyên ô 3,5g, rết 2 con, cam thảo 1g. Tất cả tán nhỏ, rây bột. Mỗi ngày uống 1g với nước sắc lá bạc hà. Dùng 7 ngày.
BỌ CẠP VÀ THỰC DƯỠNG
Từ lâu, bọ cạp cùng nhiều loại côn trùng khác đã trở thành những “món ăn côn trùng” có giá trị dinh dưỡng cao và được chế biến rất cầu kỳ trong ngành ẩm thực của nhiều nước Châu á. Bọ cạp còn có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như món bọ cạp chiên giòn, bọ cạp lăn bột chiên bơ… Trung Quốc đã có hơn 100 món đặc sản với hương vị tuyệt vời từ bọ cạp, nhất là bọ cạp nướng rất phổ biến và được ưa chuộng ở tỉnh Sơn Đông (tất nhiên phải lấy nọc độc ở đuôi ra).
Tuy nhiên có một số loài có độc mạnh không thể ăn được nên cẩn thận đề phòng trước khi ăn thịt bọ cạp phải chắc chắn là nó không có độc. Nên làm ăn sau khi mấy ngày bắt về, rửa sạch các chất độc và sau khi chín bỏ thêm hương vị tuy theo sở thích mỗi người, nhiều người nghĩ bụng của bò cạp là ngon nhất. Vì bị săn bắn nhiều quá bọ cạp đang có nguy cơ bị tuyệt chủng và làm ảnh hưởng tới người nông dân vì bọ cạp là loài vật tốt giúp người dân ăn có côn trùng có hại.
• Giải nọc độc bọ cạp chích: Khi bị bọ cạp chích (đốt) gây sưng đau, nhức nhối và phù nề, có thể dùng một số cách sau đây để đắp:
+ Nếu có thể được, dùng chính ngay con bọ cạp đã đốt nạn nhân, nghiền nát ra, đắp vào chỗ bị đốt (đây là cách ‘dĩ độc trị độc’ rất hay).
+ Lá húng chanh rửa sạch, giã nát với ít muối, đắp lên vết thương, rất công hiệu.
+ Lấy quả chanh tươi, cắt làm đôi, dùng một nửa đó xát lên vết thương.
Lưu ý: Người huyết hư sinh phong không dùng được.