Người ta vẫn thường truyền tai nhau là muốn ‘diệt dục’ hoặc làm ‘giảm tình dục’ nên dùng rau răm. Việc làm giảm tình dục của rau răm có thực hiệu quả như vậy hay không? Ăn trứng lộn mà thiếu rau răm có được hay không? Đây là những câu hỏi đang làm cho các nhà nghiên cứu quan tâm.
Rau răm có tên khoa học là Polygonan odoratum, họ Rau răm (Polygonaceae).
Theo đông y: Rau răm có tác dụng chống viêm hạ khí, kích thích tiêu hoá, trừ phong hàn, hoạt huyết tiêu độc.
Rau răm được dùng cả lá cả cây. Có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Giã sống vắt lấy nước uống, bã đắp. Dùng khô sắc uống.
100g rau răm chỉ sinh rất ít nhiệt, 30 calori. 100g rau răm có 71mg phospho, 279mg kali, 290mg calci, 138mg magnesium, 7mg sắt, 10mg mangan, 1mg nicotinamid, 10mg vitamin C . Rau răm có vị cay hắc hơi đắng.
Rau răm chứa nhiều tinh dầu, chủ yếu là alkan aldehyt bao gồm tới 50 chất khác nhau.
Tiêu thực: Rau răm có tính ấm vị cay nồng, kích thích tiêu hóa. Dùng rau răm làm thuốc kích thích tiêu hoá, công dụng chống lạnh bụng, đầy bụng khó tiêu, buồn nôn, tiêu chảy khi ăn những thức ăn sống hoặc lạnh như cua, ốc, vịt…
Kinh nghiệm dân gian thường dùng rau răm khi ăn chung với hột vịt lộn. Tại sao lại như vậy? Nghiên cứu dinh dưỡng hiện đại cho thấy trong một trứng vịt lộn có 182 kcal năng lượng, 13,6g protein, 12,4g lipit, 82mg canxi, 212mg phốtpho, 600mg cholesterol… Ngoài ra, còn có nhiều betacaroten (435µg), vitamin A (875µg), một số ít sắt, gluxit, vitamin B1 và C… Lượng cholesterol trong hột vịt lộn khá cao cho nên dễ bị khó tiêu, nếu ăn chung với một ít rau răm sẽ giúp tránh được tình trạng đầy bụng, khó tiêu.
Cũng vậy, khi ăn thịt bò, người ta cũng thường ăn chung với rau răm. Thịt bò bổ dưỡng nhưng khó tiêu, lại nhiều cholesterol và acid béo bão hòa làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Rau răm giúp tiêu hóa thịt bò. Đây là cách kết hợp vừa độc đáo vừa mang tính bổ dưỡng mà ông cha chúng ta đã nghĩ ra.
Người miền Bắc thích ăn thịt gà với lá chanh người miền Nam lại thích ăn với rau răm. Trong món bún thang Hà Nội và gỏi lòng gà đều có rau răm.
Hầu như các món gỏi hoặc nộm đều có rau răm để tăng khẩu vị và tiêu thực.
Nhuyễn thể (nghêu, sò, hến) luộc, xào, nấu canh, nấu cháo đều có thêm rau răm. Rau răm tiêu thực, khử mùi tanh và tăng khẩu vị.
Khi nấu canh măng cũng nên thêm rau răm. Măng lạnh, ninh măng để giảm tính lạnh. Canh măng nhạt, thêm rau răm thái chỉ sẽ tăng khẩu vị mà lại giảm được tính hàn. Một việc làm giản dị nhưng rất có ý nghĩa.
Trị bụng đầy trướng tiêu hoá trì trệ: Dùng một nắm rau răm rửa sạch, giã nhỏ, vắt lấy nước uống. Bã đem xoa vào bụng (xoa tập trung vào vùng rốn).
Làm dịu tình dục: Nhiều kết quả nghiên cứu cho thấy rau răm chứa một số tinh dầu và vài chất có tác dụng ức chế dục tính. Nhiều bà vợ cho biết họ thường nấu món canh thịt bò rau răm cho chồng ăn vì cứ tưởng như thế là tẩm bổ nhưng vô tình đã làm ức chế sự hưng phấn của chồng, làm cho chồng ngày càng ‘có vẻ’ xa vợ hơn. Rau răm, vì vậy, chỉ nên dùng cho các ông chồng trong trường hợp cần giảm các cơn bốc dục khi đi xa nhà. Tại các tu viện nam, các tu sĩ thường trồng rau răm quanh vườn và ăn thường xuyên nhằm làm giảm dục tính để có thể yên tâm tu luyện và tránh tà ý và cám dỗ.
Ăn trứng lộn (vịt lộn, gà lộn, cút lộn) người ta vẫn thường ăn với rau răm. Trứng lộn là món ăn bổ dưỡng cao. Càng bổ dưỡng càng có khả năng tăng đòi hỏi về tình dục (ăn no ấm cật). Nhất là trứng lộn thường ăn vào buổi tối càng gia tăng sự đòi hỏi tình dục nơi các ‘đấng mày râu’. Kinh nghiệm dân gian cho thấy khi ăn trứng lộn kèm với rau răm có tác dụng ‘hạ hỏa’ cho các ông chồng. Kinh nghiệm dân gian cho thấy rau răm đã từng được người đời xưa thừa nhận công dụng ‘giảm tình dục’ khá hiệu quả, nhưng vì sao và nhờ có chất nào trong đó thì không ai rõ vì xưa nay chưa từng có nghiên cứu khoa học nào về vấn đề này!
Những người ‘chưa lên đèo đã tụt xích’ (hoạt tinh) nên ăn nhiều rau răm để chậm xuất tinh, thời gian giao hợp lâu và tăng khoái cảm. Phải ăn rau răm nhiều ngày mới hiệu nghiệm. Các chất bổ dưỡng thường kích thích tình dục, gây xuất tinh sớm. Kết hợp với rau răm để dịu tình dục nên thời gian giao cấu lâu, chậm xuất tinh. Một chất mạnh nhất thời nên làm dịu đi để hãm lại, kết quả sẽ lâu bền. Ví như âm dương khác nhau nhưng không triệt tiêu nhau, mà lại hỗ trợ nhau. Làm dịu không có nghĩa là triệt tiêu. Trứng lộn với rau răm cũng hỗ trợ nhau. Đây là một phối ngũ lý thú, rất tinh tế và độc đáo.
Một số nghiên cứu trên chuột cho thấy rau răm làm giảm chất lượng tinh trùng. Nếu chỉ nhằm để hạn chế những cơn bốc dục hoặc kềm chế ‘con lợn lòng’ thì các ông chồng vẫn có thể trông cậy vào rau răm được! Trường hợp này, có thể dùng 20-30g rau răm, rửa sạch, cắt nhỏ, cho vào máy xay sinh tố để xay nhuyễn rồi uống. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu tình dục học cảnh báo là không nên quá lạm dụng rau răm (ăn hoặc uống rau răm một thời gian dài liên tục) vì nếu không “bài thuốc làm dịu tình dục” sẽ trở thành “bài thuốc diệt dục” rất nguy hiểm!
Những người bị liệt dương, lãnh cảm không ăn nhiều rau răm.
Cách ăn trứng lộn để bồi dưỡng cơ thể cho hợp lý nhất là: Trẻ em, chỉ nên ăn tối đa một quả mỗi ngày; người lớn ăn tối đa hai quả một ngày. Khi ăn nên kèm gia vị. Lượng gia vị phù hợp cho một lần ăn tối đa hai trứng là khoảng 5g gừng tươi thái chỉ, 5g rau răm tươi. Nên ăn vào buổi sáng sớm có kèm món ăn bổ sung. Một liệu trình tối thiểu 15 ngày. Nếu trường hợp người lớn muốn bồi bổ sức khỏe tối đa nên dùng khoảng 60 – 90 ngày.
Ảnh hưởng đến kinh nguyệt:
- Phụ nữ có kinh sớm nên ăn rau răm.
- Phụ nữ đang hành kinh nếu uống nước rau răm có thể làm tắc kinh hoặc rong huyết.
Ảnh hưởng đến thai: Người đang mang thai cần thận trọng khi ăn rau răm vì nếu ăn nhiều sẽ có nguy cơ sẩy thai. Nếu lỡ sẩy thai vì dùng nhiều rau răm thì sau khi sạch kinh nguyệt, dùng một 20-30g lá chanh non giã nát, hoà với 100 ml nước chín, uống trong ngày để tẩy hết tác hại của rau răm và giúp bổ huyết.
Trị cảm cúm hắt hơi sổ mũi: Rau răm một nắm, gừng sống 3 lát. Hai thứ giã nhỏ vắt lấy nước uống.
Bệnh ngoài da:
+ Trị mụn nhọn đang ở giai đoạn cương: Rau răm một nắm, muối vài hạt. Hai thứ giã nhỏ, đắp vào nhọt băng lại. Ngày thay thuốc 1 lần. Phương này dùng cho tất cả những trường hợp mụn nhọt, áp se đang ở giai đoạn đầu. Có tác dụng chống viêm, hoạt huyết, tiêu độc.
+ Trị hắc lào hoặc chốc lở: Giã nát cành lá, thêm chút rượu trắng rồi bôi vào nơi bệnh sau khi rửa sạch vùng da bị nhiễm.
+ Trị nước ăn chân: Rau răm giã nhỏ đắp vào nơi bị tổn thương. Hoặc giã nhỏ lấy nước cốt chấm vào nơi bị đau. Ngày 2 lần (giữ cho vết thương được khô ráo để chống bội nhiễm).
Lưu ý:
- Dùng nhiều rau răm chân huyết sẽ khô đi do bị phá huyết.
- Khi có thai không nên ăn nhiều rau răm dễ gây sẩy thai.
- Những người máu nóng, gầy yếu không nên ăn nhiều rau răm.