5 vị thuốc từ mâm ngũ quả

Tết, cho dù ở thành thị hay thôn quê, giàu sang hay nghèo khó, trên bàn thờ tổ tiên hoặc trên bàn tiếp khách, nhà nào cũng thấy có chưng bày đầy ắp một mâm ngũ quả là: (mãng) cầu, dừa (đọc theo giọng Bắc là vừa), đu đủ, xoài (cũng đọc là xài theo giọng Nam) và sung. Với mong ước cầu vừa đủ xài sung (hiểu theo kiểu đồng âm và nghĩa chữ). Do có người gọi đu đủ là thu đủ, nên cũng hiểu cầu thu đủ tiền (để) xài sung.

Dịp tết, toàn bộ thành viên gia đình đều tề tựu ở bàn thờ Tiên tổ, đều nhìn thấy mâm ngũ quả nhưng ít ai biết là ngoài ý nghĩa trên, 5 loại trái cây này cũng là loại cây có tác dụng làm thuốc rất quý. Nhân dịp năm mới, tết đến, chúng tôi xin cống hiến quý vị những thông tin bổ ích về 5 loại cây trái này.

MÃNG CẦU

Mãng cầu ở đây là Mãng cầu xiêm, Mãng cầu dai. Tên khoa học là Annona muricata L. Thuộc họ Annonaceae. Annona, phát xuất từ tên tại Haiti, Anon, nghĩa là thu hoạch của năm; “Muricata” có nghĩa là mặt bên ngoài sần lên, có những mũi nhọn.

Công dụng:

Tất cả các bộ phận rễ, thân, lá, hoa, quả, hạt của mãng cầu đều có giá trị sử dụng:
Người ta thường dùng quả để ăn: Thịt quả pha thêm nước và đường, rồi đánh như đánh trứng gà làm thành một loại sữa dùng để giải khát, bổ mát và chống hoại huyết. Cũng thường dùng tươi làm kem sinh tố với các loại quả khác. Quả xanh, phơi khô tán bột dùng trị kiết lỵ và sốt rét.

Rễ cây mãng cầu có công dụng như thuốc tẩy giun, vỏ rễ cây như một thuốc giải độc.
Thân cây mãng cầu có hàm lượng xenlulô từ 65 – 76%, là nguồn nguyên liệu tiềm năng cho ngành công nghiệp giấy. Tại Tây Ấn Độ, nước sắc cành non, nước sắc lá được dùng chữa tổn thương ở bàng quang, ho, tiêu chảy, chứng khó tiêu, thậm chí còn có tác dụng hỗ trợ phụ nữ khi sinh con.

Nước ép từ lá mãng cầu để chữa say rượu, tại Guiana (thuộc Anh) dùng để trị giảm đau, trị chứng co thắt tại Ecuador. Tại Châu Phi nước lá còn được dùng để tắm làm hạ sốt cho trẻ em. Tại Hà Lan, lá mãng cầu được cho vào bao gối, hoặc khăn trải giường để hy vọng có một giấc ngủ ngon. Nhai lá mãng cầu đắp lên vết thương hở hoặc vết mổ làm mất vết sẹo lồi. Lá mãng cầu giã thành bột nhão làm thuốc đắp chữa vết chàm bội nhiễm, thấp khớp. Nhựa lá mãng cầu non có tác dụng kích thích nhanh lên da non.

Trái mãng cầu được dân vùng đảo Virgin dùng làm mồi để đánh bắt cá, bột thịt trái xanh có tác dụng làm se mặt vết thương, nước sắc trái xanh chữa bệnh lỵ, nước ép của trái chín được xem như một phương thuốc lợi tiểu, giúp chữa bệnh huyết niệu…

Bột của hột cũng như nước sắc của lá có công dụng như một loại thuốc diệt chấy rận. Bột hạt mãng cầu pha với rượu rum cho một chất gây nôn mạnh.

Hạt được sử dụng ở Ấn Độ làm thuốc sát trùng và duốc cá; Ở Việt Nam thường dùng hạt đem giã nhỏ lấy nước gội đầu trừ chấy rận.

Lá non có thể dùng làm gia vị, nấu hãm uống buổi tối sẽ làm dịu thần kinh.

Lá và vỏ cũng được dùng làm thuốc chữa sốt, tiêu chảy và trục giun. Tại Guyana: lá và vỏ cây, nấu thành trà dược giúp trị đau và bổ tim. Tại Brazil: trong vùng Amazon: lá nấu thành trà trị bệnh gan; dầu ép từ lá và quả còn non, trộn với dầu olive làm thuốc thoa bên ngoài trị thấp khớp, đau sưng gân cốt. Tại Jamaica, Haiti và West Indies: quả hay nước ép từ quả dùng trị nóng sốt, giúp sinh sữa và trị tiêu chảy; vỏ thân cây và lá dùng trị đau nhức, chống co giật, ho, suyển. Tại Ấn Độ: quả dùng chống bệnh hoại huyết (scorbut); hạt gây nôn mửa và làm se da.

  • Kinh nghiệm dân gian cũng dùng lá làm thuốc trị sốt rét, thường dùng để chặn cữ (Lá Mãng cầu xiêm 10-15 lá, giã nát, vắt lấy nước cốt uống một lần. Ngày uống 4 lần).
  • Trị huyết áp cao: Dùng vỏ quả hay lá Mãng cầu xiêm (20g), sắc chung với Rễ nhàu (20g) và rau cần (15g) thành nước uống (bỏ bã) mỗi ngày.

Lưu ý: Không nên dùng các chế phẩm làm từ Lá, rễ và hạt Mãng cầu xiêm (phần thịt của quả không bị hạn chế) trong các trường hợp:
+ Có thai: do hoạt tính gây co thắt tử cung.
+ Huyết áp cao: Lá, Rễ và Hạt có tác dụng gây hạ huyết áp, ức chế tim, người dùng thuốc trị áp huyết cần bàn với thầy thuốc điều trị.
+ Những người bị bệnh Parkinson, nên tránh dùng Mãng cầu xiêm.

DỪA

Tên khoa học: Cocos nucifera, họ Cau (Arecaceae).
Dừa có nhiều nước, vị ngọt, cùi ăn giòn thơm, giàu chất dinh dưỡng. Nước dừa, cùi dừa, dầu dừa, vỏ dừa, rễ dừa đều là vị thuốc tốt dùng chữa bệnh.

Theo Đông y, nước dừa có vị ngọt, tính hơi nóng, giúp tăng cường khí lực, tươi nhuận nhan sắc, giải nhiệt, cầm máu nên rất tốt khi điều trị cảm nắng, thổ huyết, máu cam. Việc uống nước dừa thường xuyên có tác dụng khỏe tim, lợi tiểu, trừ giun, ngừng tiêu chảy. Trong nước dừa có gần như toàn bộ dưỡng chất cần cho cơ thể, nhiều vitamin nhóm B và chất khoáng. Hàm lượng kali và magiê trong nước dừa tương tự như dịch tế bào của người nên nó thường được dùng cho bệnh nhân bị tiêu chảy, thậm chí làm dịch truyền. Nước dừa là loại nước giải khát có giá trị.

Trẻ bị tiêu chảy được khuyến khích uống nước dừa pha muối. Nước dừa làm đẹp da, đen mượt tóc. Nhân dừa non (mềm như thạch) chứa nhiều enzym tốt cho tiêu hóa, dùng chữa các bệnh viêm loét dạ dày, viêm gan, đái tháo đường, lỵ, trĩ, viêm ruột kết. Polysacharit của nước dừa kích thích miễn dịch đối với bệnh lao phổi.

Nước quả dừa xanh còn non được các nhà khoa học gọi là nước khoáng thực vật vì chứa nhiều vi lượng khoáng cần thiết cho cơ thể và đường ở dạng dễ tiêu hóa, lượng vitamin C đủ cho nhu cầu 1 ngày. Nước trong trái dừa 6-7 tuần tuổi là ngon và bổ nhất.

Các nhà khoa học Peru dùng dừa chống sốt rét: Khoét vỏ, đưa thân cây bông vải có tẩm 1 loại vi khuẩn thích ăn ấu trùng của muỗi anophèle vào, đậy kín lại rồi thả vào nước muối 2-3 ngày để vi khuẩn ăn chất dinh dưỡng của dừa mà sinh sôi nảy nở. Đổ nước những quả dừa đó xuống ao hồ, đầm lầy, vi khuẩn sẽ diệt ấu trùng muỗi truyền sốt rét bằng cách ăn no chúng.

Ở Philippines, dừa được xem là món ăn trường xuân (có tên gọi Nata). Nata dừa gồm có nước dừa, đường, giấm và nước cái (chứa vi khuẩn giúp lên men). Cựu tổng thống Philippines Fidel Ramos cho rằng, nhờ ăn hằng ngày món này mà ông trẻ lại như ở tuổi 20. Nata đã trở thành món tráng miệng cao cấp ở Nhật và được xem là có tác dụng ngừa ung thư.

Cùi dừa trắng như ngọc, ăn giòn và thơm, hương vị như sữa. Quả càng già, lượng lipid, protein càng nhiều, các thứ quả khác khó sánh được.

Cùi dừa vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng ích khí, trừ phong, nhuận da. Dầu dừa dùng ngoài da có thể chữa lở ngứa, dị ứng mẩn ngứa do lạnh, viêm da do thần kinh, hắc lào… Gáo dừa tính bình, vị ngọt, không độc, có thể chữa đau tức ngực, đau gân cốt. Rễ cây dừa thường dùng chữa chảy máu cam, nôn mửa, bệnh tả, xuất huyết…

Như vậy, cả cây dừa đều là những vị thuốc hay chữa bệnh. Dầu dừa, nước dừa còn dùng làm nước giải khát, bánh kẹo. Gáo dừa có thể dùng làm bát, làm gáo, làm muôi. Lá dừa có thể đan quạt, lợp nhà…

  • Trị Tâm Tỳ hư (kém ăn, mất ngủ, suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể): Cùi dừa 100g, cùi nhãn 50g, gạo nếp 150g, nấu cháo ăn.
  • Trị khản tiếng: Nước dừa non 1 cốc, rau má 8g. Giã rau má, vắt lấy nước cốt pha với nước dừa uống.
  • Trị kiết lỵ cấp tính: Rau má 50g, nước dừa tươi một quả. Rửa sạch rau má, giã nhỏ, vắt lấy nước, pha với nước dừa uống. Mỗi ngày một quả.
  • Nôn mửa: Nước dừa 2 chén, nước gừng 10 giọt trộn đều uống.
  • Lợi tiểu giải độc: Nước dừa non có tác dụng lợi tiểu trong các bệnh tim mạch, thận.
  • Viêm thận phù nề: Nước dừa, nước rễ cỏ tranh, nước rễ cỏ lau mỗi thứ 30g. Trộn đều uống.
  • Tẩy giun đũa: Nước dừa, cùi dừa mỗi loại 50g, ô mai 15g, vỏ lựu, rễ lựu 10g, sắc uống.
  • Tẩy sán lá: Có tác dụng an toàn và hiệu lực hơn hạt cau. Không cần thuốc tẩy. Buổi sáng chưa ăn, lấy 1/2 quả dừa, uống nước và ăn cho hết cùi dừa. Sau 3 giờ, ăn uống bình thường (thức ăn lỏng).
  • Nứt nẻ da do lạnh: Dầu dừa vừa đủ, vỏ quả hồng 50g, đốt toàn tính, nghiền thành bột, trộn đều để bôi.
  • Viêm da lở ngứa: Dầu dừa vừa đủ, hạnh nhân vừa đủ giã nát, trộn đều để bôi.
    Hắc lào, nấm tổ đỉa chân: Lá đào tươi giã nát vắt lấy nước, dầu dừa vừa đủ, trộn đều để bôi.
  • Canh dừa khử độc hại của rượu, tăng chất nhờn cho các khớp: Những người thường xuyên uống bia rượu hoặc đau nhức khớp, hoặc khi hoạt động các khớp có tiếng kêu, lấy một quả dừa cắt ngang phần trên làm nắp, cho 20g đậu đen vo sạch vào trong rồi đậy nắp lại, đặt lên 1 cái đĩa, chưng trong 4 giờ. Sau đó có thể cho ít muối tùy ý để uống canh dừa. Mỗi tháng chỉ cần uống 1-2 lần thì chứng đau khớp sẽ hết, các khớp sẽ hoạt động mềm mại trở lại.
  • Trị chứng cam tích (bụng ỏng, đít teo, suy dinh dưỡng) cho trẻ: Nước dừa non, lấy nước cho uống, mỗi tuần 2-3 lần giúp trẻ khỏe mạnh.
  • Trị suy nhược, gầy ốm: dùng nước dừa non nấu xôi, luộc gà… làm tăng vị thơm ngon và bổ dưỡng, thích hợp cho người gầy yếu. Người khỏe mạnh, buổi sáng uống 1 quả nước dừa xiêm cũng rất tốt.
  • Trị tiêu chảy mạn không rõ nguyên nhân làm cơ thể hao gầy, mất nước: Dừa tươi một trái, trứng gà 1 quả, gừng tươi 100g, cam thảo 15g. Cùi dừa tán nhuyễn với gừng và cam thảo, cho nước dừa và lòng đỏ trứng gà vào, khuấy đều, chưng hơi khô, vắt nước uống. Đây là bài thuốc dân gian Kê khương đường nổi tiếng.

Tuy Dừa tương đối tốt cho đường ruột và hệ tiêu hóa nhưng cũng cần lưu ý:

  • Nước dừa lấy ra khỏi quả sẽ bị mất khí vị, cho nên cứ để nguyên quả mà uống, tốt nhất là nên uống ngay tại gốc vừa chặt, tránh thả dừa xuống đất.
  • Mới đi nắng về, đang đói mệt không nên uống nước dừa; nếu người đang có bệnh thì dễ bị những tác dụng phụ như sốt, ớn lạnh…
  • Trước khi thi đấu thể thao không nên uống nước dừa.
  • Bình thường, mỗi ngày chỉ nên uống một quả. Uống nhiều dễ gây đầy bụng, nhất là khi có kèm cơm dừa nạo, đá lạnh và uống vào chiều tối.

ĐU ĐỦ

Đu đủ hương vị độc đáo, ăn bổ, được người Trung Quốc mệnh danh là “vua quả Lĩnh Nam”. Quả đu đủ chín vàng, có hình dáng đẹp, ăn tươi hoặc chế biến để dùng điều trị bệnh dạ dày đều tốt. Bên cạnh đó, các quý bà còn sử dụng đu đủ như một loại mỹ phẩm từ thiên nhiên.

Ăn đu đủ thường xuyên có tác dụng bổ máu, giúp hồi phục gan ở người bị sốt rét. Do có nhiều sinh tố C và caroten nên đu đủ có tác dụng chống oxy hóa, tăng sức đề kháng cho cơ thể.

  • Đu đủ hầm với đường phèn: 1 quả đu đủ chín, gọt vỏ, thái miếng, đựng trong bát to, thêm đường phèn, hầm cách thủy. Món này ăn rất ngon, có hương vị đặc trưng, già trẻ ăn quanh năm đều được. Việc ăn nó thường xuyên trong mùa xuân, hè có tác dụng thanh tâm, nhuận phế, giải nhiệt, giải độc. Ăn vào mùa thu, đông có tác dụng nhuận táo, ấm dạ dày, bổ tỳ vị, dưỡng gan, giảm ho, nhuận phổi, tan đờm.
  • Ít ngủ, hay hồi hộp: Đu đủ chín, chuối, củ cà rốt mỗi thứ 100 g; xay trong nước dừa non nạo, thêm mật ong cho đủ ngọt, uống cách ngày.
  • Viêm dạ dày: Đu đủ 30g, táo tây 30g, mía 30g, sắc uống.
  • Tỳ vị hư nhược: Đu đủ 30g, củ mài 15g, sơn tra 6g, gạo nếp 100g, nấu cháo ăn ngày 2 lần (sáng – chiều).
  • Đau lưng mỏi gối: Đu đủ 30g, ngưu tất 15 gam, hoàng kỳ 10g, đỗ tương 15g, câu kỳ tử 10g, cam thảo 3g, sắc uống.
  • Ho do phế hư: Đu đủ 100g, đường phèn 20-30g, hầm ăn.
  • Mụn nhọt: Lá đu đủ giã nát, đắp.
  • Sinh xong, muốn có nhiều sữa: Các bà mẹ thường hầm chân giò với đu đủ xanh.
  • Trị gai cột sống: Hạt đu đủ đem xát cho sạch phần nhớt bao quanh, giã nát trong túi vải rồi đắp lên vùng đau. Mỗi lần chỉ đắp tối đa 30 phút và theo dõi để tránh bị bỏng. Ngày làm một lần, liên tục trong 20-30 ngày.
  • Trị giun kim: Ăn đu đủ chín vào buổi sáng lúc đói, liên tục 3-5 ngày.
  • Trị Tỳ Vị hư yếu (ăn không tiêu, táo bón): Đu đủ 30g, khoai mài 15g, sơn tra 6g, nấu cháo.
  • Trị tiểu gắt, buốt: Rễ đu đủ tươi 200g sắc lấy nước uống cả ngày thay nước uống.
  • Trị các vết chai và mụn cóc: Lấy nhựa từ lá của cây đu đủ bôi lên vùng da bị chai hay mọc mụn. Hiệu quả khó tin.
  • Trị vết loét trên da: Trộn một chút bơ với nước đu đủ, bôi lên vết loét. Cách làm này có tác dụng làm se bề mặt và nhanh chóng làm liền vết thương.
  • Giúp sáng mắt: Những người lớn tuổi nên ăn khoảng 3 phần đu đủ mỗi ngày trở lên để ngăn ngừa quá trình lão hóa cũng như suy giảm thị lực vì đu đủ không chỉ là loại trái cây ngon ngọt, mát, bổ mà còn chứa nhiều carotin hơn so với các loại trái cây khác như táo, ổi, chuối.
  • Rất tốt cho da: Khỏi cần xài các loại mỹ phẩm đắt tiền, có thể tự chế loại mặt na dưỡng da với trái đu đủ. Hiệu quả thật tuyệt vời mà nhất là không gây kích ứng cho da. Nghiền nhuyễn đu đủ chín đắp lên mặt và rửa sạch sau khoảng 15-20 phút có tác dụng làm mềm, mịn da, ngăn ngừa mụn, các vết nám và đặc biệt phát huy tác dụng trong việc điều trị làn da thô ráp.
    + Ăn đu đủ mỗi ngày giúp bạn có được làn da tươi trẻ. Sinh tố đu đủ sữa (gồm đu đủ, sữa tươi hoặc sữa bột đã pha, một ít mật ong) giúp da bạn mịn màng, tươi sáng.
  • Đu đủ có chứa protease, giúp phân giải protein thành axit amin, phân giải protein khó tiêu hóa trong ruột, đồng thời phân giải mỡ rất nhanh. Nó đặc biệt tốt với các trường hợp xơ hóa túi mật, tiêu hóa khó khăn và nóng rát dạ dày, thiểu năng tuyến tụy.
  • Đu đủ giúp tăng sức đề kháng cho cơ thể và là một trong những vũ khí đắc lực chống lại căn bệnh viêm túi mật xuất hiện nhiều ở phụ nữ.

THEO TÀI LIỆU Y HỌC CỦA NƯỚC NGOÀI, ĐU ĐỦ CÓ THỂ TRỊ ĐƯỢC 13 THỨ BỆNH:
1. Buổi sáng, 8 giờ, ăn 100g đu đủ, trị chứng nóng ở ruột và dạ dày.
2. 9 giờ sáng, ăn 200g đu đủ để thanh lọc máu.
3. 10 giờ sáng, ăn 200g đu đủ, trị được gan nóng (hỏa can) hay nổi giận.
4. 11 giờ sáng, ăn 200g đu đủ, trị chứng khô cuống họng.
5. 1 giờ trưa, ăn 100g miếng đu đủ thoa bột cam thảo, trị chứng ăn uống không tiêu.
6. 2 giờ trưa, ăn 100g đu đủ, trị chứng hôi miệng.
7. 3 giờ chiều, ăn 200g đu đủ, trị chứng nóng ở ruột già.
8. 4 giờ chiều, ăn 100g đu đủ thoa mật ong, trị chứng huyết áp cao.
9. 5 giờ chiều, ăn 200g đu đủ, trị bệnh tiểu đường.
10. 7 giờ tối, ăn đu đủ giải trừ được cơn mệt mỏi trong ngày.
11. 8 giờ tối, ăn 100g đu đủ, giúp thanh lọc máu.
12. 9 giờ tối, ăn 200g đu đủ thoa đường trắng, trị chứng gan nóng (hỏa can).
13. 10 giờ tối, ăn 200g đu đủ thoa muối, trị chứng đau cổ họng.

Làm đẹp da:
+ Nước ép của trái đu đủ và nhựa khô là thành phần chính trong quá trình sản xuất các loại kem chống mụn và dầu gội dưỡng tóc.
+ Vỏ của trái đu đủ xanh có thể được giữ lạnh trong tủ lạnh và sử dụng để tạo mặt nạ. Điều này cũng lý giải tại sao người dân xứ Island luôn có làn da trắng mịn, và nhất là không bao giờ lo sợ mụn trứng cá tấn công.

XOÀI

Người miền Nam đọc âm gần giống như xài, đồng nghĩa với tiêu xài, tiêu dùng… Ngày Tết người ta thường chưng để mong có tiền xài dài dài trong năm…

Tên khoa học là Mangifera indica L.

Theo đông y, quả xoài chín có vị ngọt, chua, tính mát, tác dụng ích dạ dày, tiêu tích trệ, làm hết nôn mửa, thanh nhiệt, giải khát, lợi tiểu, nhuận phế, tiêu đàm.

Lá xoài chứa chất tanin và một hợp chất flavonoid là mangiferin. Tác dụng hành khí, lợi tiểu, tiêu độc, tiêu tích trệ. Dùng chữa bệnh đường hô hấp trên: ho, viêm phế quản cấp và mãn tính; chữa thủy thũng. Dùng ngoài chữa viêm da ngứa da. Có thể lấy lá nấu nước để rửa hoặc xông. Lưu ý: lá xoài có độc, thận trọng khi dùng. Không dùng cho trẻ em và phụ nữ có thai.

Thịt quả xoài chín thái lát mỏng hoặc giã nhuyễn, đắp chống bỏng, bảo vệ da chống lại sự tấn công của ánh nắng.

Vỏ quả xoài chín có tác dụng chữa ho ra máu, cầm máu ở tử cung, chảy máu ruột. Thường dùng dưới dạng cao lỏng. Cho 10g cao lỏng vỏ quả xoài vào 120ml nước rồi uống, cách 1-2 giờ một muỗng cà phê.

Hạt xoài phơi khô, bỏ nhân, đem sao sơ, tán bột mịn. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1-5g với nước sôi để nguội.

Hạch của quả xoài (nhân xoài) chứa nhiều tinh bột, dầu, tanin, acid galic tự do, có vị đắng chát. Tác dụng làm hết ho, mạnh dạ dày, trợ tiêu hóa. Dùng chữa ho, kiết lỵ, tiêu chảy, trừ giun sán.

Vỏ thân cây xoài chứa tanin và mangiferin 3%.Tác dụng làm se niêm mạc, thu liễm, sát trùng. Dùng chữa ho, đau sưng cổ họng, đau răng.Vỏ tươi 50-60g (khô 20-30g) rửa sạch, sắc đặc, hòa với ít rượu hoặc muối. Ngày ngậm 4-5 lần, ngậm khoảng 10 phút, súc miệng rồi nhổ bỏ. Ngậm sau bữa ăn và trước khi ngủ.

Người bị bệnh dạ dày, nếu là bệnh do có nhiều chất kiềm, thì không nên ăn xoài: Vì ăn vào có thể cảm thấy khó chịu, thậm chí bị no hơi và đau bụng. Trái lại, đối với người dạ dày có nhiều chất chua, ăn loại xoài chín muồi sẽ cảm thấy bao tử rất dễ chịu.

Khi bi ho do phổi bi táo nhiệt, ăn xoài có thể hóa đàm nhuận phổi, giảm bớt ho. Trái lại, nếu ho do phổi bị lạnh, bao tử bị lạnh và khó tiêu, thì không nên ăn xoài.

Riêng những người bình nhật có bệnh phong thấp, hoặc da bị di ứng, nội tạng bị lở loét, bị ung thư, đều không nên ăn xoài. Vì ăn xoài bệnh sẽ nặng thêm.

Vào mùa Hè, do đổ mồ hôi nhiều, miệng khô khát nước, nhất là sau khi làm việc dưới trời nắng hoặc đi du ngoạn ngoài trời, cả người nóng ran, tứ chi mệt mỏi, nên ăn một trái xoài, sẽ hết khát nước, sinh nước miếng và giảm mỏi mệt.

Trong dân gian, có thói quen dùng xoài xanh nấu với thịt heo nạc, ăn để chữa bệnh phổi. Cách nấu như thế này: Khi xoài chưa chín, hái xuống phơi khô để dành. Mỗi lần dùng từ hai đến ba quả xoài khô, cắt đôi, phối hợp với vài lạng thịt heo nạc, cho thêm Trần bì để nấu canh. Phải nấu ba, bốn giờ liền trên lửa nhỏ. Cách tri liệu dân gian này có hiệu quả khá tốt. Vì có thể do hạt xoài và vỏ xoài đều có công dụng trợ tiêu hóa, làm thông phổi tan đàm, nên sau khi bệnh nhân dùng canh thì khát đàm dễ dàng hơn, gián tiếp hỗ trợ cho việc trị liệu bệnh phổi.

Hạt xoài có công dụng hóa giải chất dầu mỡ và đề phòng sự khó tiêu. Cho nên đối với Trung y, khi gặp bệnh khó tiêu vì ăn nhiều dầu mỡ, thường dùng hạt xoài vào toa thuốc trị liệu với liều lượng nặng. Về mặt dược tính, tuy hạt xoài có tính chất bình đạm, nhưng sức hóa giải dầu mỡ của nó đáng tin cậy, lại rất an toàn.

Người bị cảm sốt, ho, do ăn uống thiếu kiêng cử như canh gà, canh thịt heo, hoặc ăn thịt gà, vịt, ngỗng, làm cho chứng ho nặng thêm, nói tiếng khàn khàn, thường khi thấy nặng ngực, đau ngực, khát đàm khó khăn. Với bệnh trạng như thế, người ta cho là do bệnh nhân bị cảm sốt, lại ăn phải thức ăn nhiều dầu mỡ gây ra, nên có thói quen dùng hạt xoài nấu chung với Bố tra diệp lấy nước uống, để tiêu giải chất dầu mỡ, nhờ đó mà bệnh cảm sốt, ho, sẽ được mau khỏi.

Thịt của trái xoài chín mùi, còn có thể dùng để đắp lên nơi sưng đau. Thí dụ rủi ro bị bỏng lửa hoặc bỏng nước sôi, người ta lấy thịt trái xoài chín mùi đắp lên nơi bị bỏng, chẳng những có thể làm hết đau, giảm sưng, còn có thể đề phòng nơi đó làm độc.

Lưu ý: Xoài xanh có nhiều chất chát, có thể gây táo bón, không nên ăn vào lúc đói bụng.

SUNG

Ngày Tết người ta thường chưng sung với ý nghĩa mong được sung túc, đầy đủ trong năm.
Người Trung Quốc gọi sung là “quả không hoa”. Thực ra, sung có hoa nhưng hoa rất nhỏ, nằm ẩn bên trong đế hoa. Đế hoa chính là quả sung như người ta vẫn thường gọi.

Sung có vị ngọt, hơi chát tính mát, có tác dụng thông huyết, lợi tiểu, chỉ thống, tiêu đàm, tiêu thũng, tiêu viêm, sát trùng, bổ máu. Sung, chín ăn thơm mát. Từ quả đến lá, thân, cành đều có thể dùng làm thuốc.

  • Quả có vị chát, có công hiệu bổ dạ dày, thanh tràng, giải độc, lợi trung tiện. Thường dùng để chữa các chứng bệnh viêm ruột, hầu họng sưng đau, trĩ, táo bón…
  • Cành và lá chứa nhiều men tiêu hóa, được dùng làm thuốc bổ trợ chữa rối loạn tiêu hóa, khó tiêu.

+ Người mắc bệnh táo bón, trĩ ngày ăn tươi vài quả chín sẽ thông tiện, tiêu viêm.
+ Phụ nữ ít sữa có thể ninh chân giò lợn với quả sung, ăn cho nhiều sữa.
+ Rễ sắc lấy nước chữa hầu họng sưng đau.
+ Lá nấu lấy nước rửa ngoài chữa hậu môn nứt nẻ.

Một số bài thuốc chữa bệnh bằng sung:

  • Viêm họng: Rễ sung 30g sắc uống.
  • Phụ nữ ít sữa: Móng giò lợn 200g, sung hoặc vả 8 quả, ninh nhừ ăn.
    Hoặc 10-20g cành lá hoặc vỏ sung sắc uống, phối hợp với lõi cây Thông thảo, quả Đu đủ non, chân giò lợn nấu ăn. Hoặc dùng quả sung, quả Mít non hay dái Mít thái nhỏ, nấu cháo với gạo nếp hoặc nấu canh ăn.
  • Nứt hậu môn chảy máu: Lá sung 30g, nấu nước rửa ngày 2 lần.
  • Rối loạn tiêu hóa, khó tiêu: Lá sung 50g; màng mề gà, thần khúc, sơn tra mỗi loại 10g, sắc uống.
  • Trĩ: Mỗi ngày ăn 10 quả sung tươi.
  • Chữa nhức đầu: Phết nhựa sung lên giấy rồi dán ở hai bên thái dương.
  • Chữa liệt mặt: Phết nhựa sung lên giấy rồi dán vào bên phía mặt không bị méo.
  • Chữa bỏng: Hòa nhựa sung với lòng trắng trứng gà phết lên giấy bản rồi dán.
  • Trẻ em lở ghẻ: Dùng lá sung non giã nhỏ xát vào sẽ làm bong vẩy (Nam Dược thần hiệu).
  • Mặt nổi cục sưng đỏ như hạt đào, hạt mận: Dùng lá sung tật (có mụn) nấu nước uống, xông rửa hằng ngày (Bách gia trân tàng).
  • Sốt rét: Lá sung rụng xuống bùn đem rửa sạch phơi khô, rồi thái ra sao thơm, mỗi ngày dùng 100g sắc uống 1 lần, sắc lấy 2 nước uống làm 2 lần sáng và tối. Liên tục trong 5 ngày (Kinh nghiệm dân gian).
BÀI VIẾT MỚI
- Advertisment -spot_img

TIN LIÊN QUAN